Loại da nhân tạo mới đem lại "cảm giác" cho robot

22/08/2005 09:50 GMT+7

Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát triển được một loại da nhân tạo mềm dẻo, giúp cho các robot dạng người có thể cảm nhận được khi chạm vào các đồ vật.

Nhóm nghiên cứu đã chế tạo được một loại "da" có khả năng cảm nhận sức ép và một loại khác có thể nhận biết được nhiệt độ. Họ khẳng định rằng những loại da nhân tạo đủ mềm để có thể bọc quanh những ngón tay của robot và giá thành tương đối rẻ.

Trên tờ tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Nhật Bản số mới nhất, các nhà khoa học đã giải thích về cách để kết hợp các mạng lưới cảm biến nhiệt độ và sức ép với nhau để tạo thành một tấm da nhân tạo có thể đồng thời phát hiện được cả hai đặc tính này.

Ông Takao Someya, người phụ trách nhóm nghiên cứu, trước đây đã từng phát triển được một dạng da nhân tạo có khả năng cảm nhận sức ép. Nhưng với khả năng cảm nhận nhiệt độ của loại da nhân tạo mới này, các nhà khoa học đã tiến gần hơn tới việc bắt chước các chức năng của da người.

Ông Someya và đồng nghiệp đã sử dụng các mạch điện tử làm các cảm biến áp suất và các chất bán dẫn làm các cảm biến nhiệt độ. Họ đã nhúng các cảm biến này vào trong một tấm phim chất dẻo mỏng để tạo ra những mạng lưới các cảm biến. Các bóng bán dẫn được dùng trong các mạch điện tử và các thiết bị bán dẫn đều sử dụng các vật liệu "hữu cơ" dựa trên các chuỗi nguyên tử carbon. Điều này sẽ giúp cho chúng mềm dẻo hơn và có chi phí chế tạo tương đối rẻ.

Tiến sĩ Douglas Weibel thuộc phòng hóa học và sinh hóa, Đại học Harvard nói: "Cả hai đặc tính này đều rất thuyết phục. Loại vật liệu này dường như sẽ có rất nhiều khả năng. Các vật liệu mà các nhà khoa học Nhật Bản sử dụng không có gì lạ lẫm, tuy nhiên việc kết hợp chúng lại với nhau lại đưa ra một kết quả hoàn toàn mới".

"Theo cách đó, trong tương lai gần, chúng ta có thể chế tạo một lớp da điện với các chức năng mà da người không có bằng cách kết hợp nhiều loại cảm biến khác nhau, không chỉ có cảm biến nhiệt độ, cảm biến áp suất mà còn cả cảm biến ánh sáng, độ ẩm, cảm biến ứng suất hay âm thanh", các nhà nghiên cứu cho biết.

 N.H (VTV)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.