Nhà cổ sinh vật học thuộc Trường ĐH Stony Brook, New York (Mỹ) David Krause cho biết, loài "ếch quỷ" lớn hơn bất cứ loài ếch nào từng được biết từ trước đến nay. Nó có tên khoa học là Beelzebufo ampinga. Trong đó, "Beelzebub" - tiếng Hy Lạp có nghĩa là ác quỷ, "bufo" - tiếng Latin có nghĩa là con ếch và "ampinga" có nghĩa là cái khiên chỉ bộ da rắn như áo giáp của nó.
Với chiều dài cỡ 41 cm, trọng lượng ước khoảng 4,5 kg, cơ thể mạnh mẽ, cái miệng rộng lớn và quai hàm đầy sức mạnh, "ếch quỷ" được biết như là một loài phàm ăn, có khả năng hạ gục con mồi nhanh gọn. Nhà cổ sinh vật học Krause nói: "con Beelzebufo đánh chén từ những con thằn lằn, các động vật có vú, những con ếch nhỏ hơn và thậm chí nó có thể xơi luôn những con khủng long mới sinh".
Theo các nhà khoa học, Beelzebufo có quan hệ bà con với một loài ếch sống tại Nam Mỹ ngày nay, đó là loài có biệt danh "Pac-Man" với cái miệng to lớn và một vài con còn có cái sừng nhỏ trên đầu. Vì vậy, các nhà khoa học nghĩ rằng, Beelzebufo có thể cũng có sừng. Tuy nhiên về kích thước thì "ếch quỷ" giữ vị trí quán quân. Loài ếch lớn nhất ngày nay hiện đang sinh sống tại Tây Phi với chiều dài khoảng 30 cm, nặng 3,3 kg.
Việc "ếch quỷ" có mối quan hệ họ hàng với loài ếch ngày nay tại Nam Mỹ cho thấy Madagascar từng được nối với lục địa này và cả Nam Cực. Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy những hóa thạch động vật giống nhau ở những vùng đất trên vào thời "ếch quỷ" sinh sống.
Được biết, loài ếch đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng 180 triệu năm, cho đến ngày nay, cấu tạo cơ thể căn bản của chúng hầu như không thay đổi. Loài Beelzebufo sống trong suốt Kỷ Phấn trắng, thời kỳ tuyệt chủng của loài khủng long cũng như của nhiều loài động vật khác cách đây 65 triệu năm.
Để phác họa loài "ếch quỷ" này, các nhà khảo cổ đã bỏ nhiều công sức và thời gian để ghép nhiều mảnh hóa thạch nhỏ vụn lại với nhau. Những mảnh hóa thạch đầu tiên của loài Beelzebufo được tìm thấy vào năm 1993.
D.B (Theo Reuters)
Bình luận (0)