Loài tôm không sợ nóng

14/01/2012 02:19 GMT+7

Trong lòng biển sâu đang tồn tại nhiều miệng núi lửa âm ỉ phun trào, một trong số đó được mệnh danh là “black smoker” sâu 5.000m dưới đại dương vùng Caribean, quanh miệng núi lửa này nóng đến 450 độ C. Thế mà có một loài tôm vẫn nhởn nhơ sinh sống.

Trong lòng biển sâu đang tồn tại nhiều miệng núi lửa âm ỉ phun trào, một trong số đó được mệnh danh là “black smoker” sâu 5.000m dưới đại dương vùng Caribean, quanh miệng núi lửa này nóng đến 450 độ C. Thế mà có một loài tôm vẫn nhởn nhơ sinh sống.

Các nhà khoa học người Anh đã phát hiện được loài tôm “lì đòn” này. Chúng có mật độ đến 2.000 cá thể trên mỗi mét vuông quanh miệng núi lửa, nơi phun trào khá nhiều khoáng chất.

Loài tôm mới được phát hiện thiếu đôi mắt bình thường nhưng bù lại, chúng có một cơ quan cảm thụ ánh sáng trên lưng giúp điều hướng trong điều kiện ánh sáng rất mờ nhạt. Các nhà khoa học đặt tên cho loài tôm mới là Rimicaris hybisae, theo tên của thiết bị lặn biển đã thu thập được chúng.

Chuyến thám hiểm lòng biển được thực hiện từ tháng 4.2010 dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ Doug Connelly thuộc Trung tâm hải dương học quốc gia và tiến sĩ Jon Copley thuộc Đại học Southampton. Tàu ngầm robot đã được sử dụng để lặn xuống độ sâu 5 km dưới khe Cayman Trough. Loài tôm mới được tìm thấy tại Cayman có liên hệ với loài tôm Rimicaris exoculata, cũng sống gần miệng núi lửa nhưng chúng cách xa nhau đến 4.000 km thuộc Mid-Atlantic Ridge.

Trong chuyến khảo sát này, các nhà khoa học còn tìm thấy những miệng núi lửa ở độ sâu ít hơn 3 km, nó trào ra những dòng nước nóng với độ a xít khá cao. Nơi này cũng tìm thấy tôm, một loài cá trông giống như rắn, một loài ốc sên lạ và loài giáp xác amphipod.

Theo báo Daily Mail, các nhà khoa học người Anh đã lên kế hoạch tiếp tục thám sát nơi này vào năm 2013. 

Song Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.