Loạn 'bàn tay' du lịch ở Việt Nam

29/03/2023 11:26 GMT+7

Nếu có một kỷ lục thế giới cho nơi có nhiều điểm check-in xây dựng theo mô hình "bàn tay" nhất, thì chắc chắn đó là Việt Nam.

Đâu đâu cũng thấy "bàn tay"

Kể từ khi cầu Vàng Đà Nẵng vang danh trong nước và thế giới, nhiều điểm đến ở Việt Nam tràn lan sao chép kiến trúc "bàn tay", không thể đếm hết.

Công trình "bàn tay" trên đỉnh đèo nổi tiếng Ô Quy Hồ, đoạn thuộc địa phận tỉnh Lai Châu, một lần nữa gây choáng cho nhiều người. Cổng chào và bàn tay với cổ tay áo thắt nơ, chi tiết khẳng định không phải bàn tay Phật, bị du khách, các nhà nghiên cứu đánh giá phá nát cảnh quan thiên nhiên núi rừng Tây Bắc và xa lạ với văn hóa bản địa.

Loạn 'bàn tay' du lịch ở Việt Nam - Ảnh 1.

Bàn tay trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ

THU TRANG

Ô Quy Hồ cao 2.000m, một trong tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc (cùng với Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin), nối giữa 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Ô Quy Hồ hiểm trở và hùng vĩ do đây là con đèo cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh đèo mây phủ quanh năm nên cũng là nơi săn mây đẹp nhất trong 4 con đèo. Vì thế, việc xây dựng công trình cổng chào trên đỉnh núi cùng "bàn tay" đã gặp phản ứng của nhiều người.

Dịp Tết Nguyên đán 2023, bàn tay Phật khổng lồ được xây dựng tại chùa Cao trên núi Mã Lim (Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hóa) mở cửa cho khách tham quan. Bàn tay được xây cùng với cầu kính dài hàng chục mét bên mép ngọn núi.

Chùa Cao là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Lê, hiện vẫn còn lưu giữ một số hiện vật xưa như bia rùa đá, khánh đá… dù kiến trúc chùa cổ qua thời gian đã mất. Chùa mới được xây dựng trên nền móng của chùa cổ.

Hồi năm ngoái, chủ một quán cà phê ở H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cũng gây xôn xao dư luận khi xây dựng bàn tay Phật màu vàng với những móng tay sơn phết trong khu đất rộng 12.000m2.

Theo ông Hồ Chí Toại, chủ quán, năm 2019, ông xin phép xây dựng quán ăn uống và giải khát kết hợp trạm dừng chân và được UBND H.Kế Sách cấp phép. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, ông nảy sinh ra nhiều ý tưởng và xây dựng phát sinh thêm cầu Vàng, Vạn lý trường thành, Lạc sơn Đại Phật, tượng Nhân sư, lâu đài... để vừa kinh doanh ăn uống vừa phục vụ tham quan.

Loạn 'bàn tay' du lịch ở Việt Nam - Ảnh 2.

Bàn tay sơn đốm nâng cây cầu ở Đà Lạt "nhái" theo cầu Vàng Đà Nẵng

PV

Ngoài ra, du khách còn bắt gặp nhiều phiên bản "bàn tay" khác ở những điểm đến nổi tiếng trong nước. "Cầu Vàng Đà Lạt - phiên bản đẹp không kém gì bản gốc ở Đà Nẵng" (lời quảng cáo) với bàn tay sơn đốm nâng đỡ cây cầu. Chỉ riêng Đà Lạt đã có vô số "bàn tay" được xây dựng để thu tiền vé khách đến chụp ảnh.

Lào Cai cũng có điểm check-in "bàn tay" Phật, nằm trong một khu du lịch trong thành phố Sa Pa.

Vấn nạn sao chép làm nghèo điểm đến

Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho rằng các điểm đến "bắt trend" theo sở thích của du khách trong nước không có gì sai. Tuy nhiên, việc xây dựng sao chép điểm check-in nổi tiếng một cách bất chấp như hiện nay khó chấp nhận được.

"Có dạo, đi đâu chúng tôi cũng thấy 'nấc thang lên thiên đường', hay khung chụp ảnh hình trái tim. Copy ý tưởng của người khác là cách đầu tư nhanh nhất và dễ thu hồi vốn nhất nhưng nó cũng thể hiện một điều, chúng ta đang làm du lịch dễ dãi, góp phần hạ thấp giá trị điểm đến", ông Hải nói.

Tình trạng sao chép sản phẩm du lịch ở Việt Nam lâu nay trở thành vấn nạn. Ở khía cạnh công ty, các đơn vị "copy paste" chương trình tour, giống nhau tới từng chi tiết. Nhiều công ty bỏ công, bỏ của tìm hiểu thị trường, điểm đến sau đó xây dựng chương trình tour thì ngay lập tức bị đơn vị khác sao chép, cạnh tranh bằng giá. Lớn hơn thì các điểm đến y chang nhau từng sản phẩm. Ở miền Tây, nơi này có tát ao bắt cá, vào vườn hái trái, nghe ca tài tử... thì nơi khác cũng nhanh chóng xuất hiện mô hình kiểu vậy.

"Thành ra, đến miền Tây, nhiều du khách than phiền với tôi, chỉ cần thăm một tỉnh là hiểu cả một vùng. Nạn sao chép làm nghèo sản phẩm du lịch, khiến điểm đến mất sức hút với cả du khách trong nước lẫn quốc tế", ông Hải nhấn mạnh.

Loạn 'bàn tay' du lịch ở Việt Nam - Ảnh 3.

Bàn tay Phật sơn móng xanh ở Sóc Trăng

TN

Theo ông Hải, sao chép hình ảnh cầu Vàng ở Bà Nà Hills hay sao chép một phần bàn tay của kiến trúc cầu Vàng là điển hình của nạn "ăn cắp" chất xám trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, nghiêm trọng không kém là tình trạng sao chép đó góp phần khiến chính điểm đến đó, lớn hơn là điểm đến Việt Nam bị ảnh hưởng. "Mỗi địa phương ở Việt Nam đều có những nền tảng văn hóa riêng, vì sao không dựa vào đó để sáng tạo sản phẩm đặc sắc của điểm đến mà phải sao chép từ nơi khác?", ông Hải đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Du lịch Oxalis Adventure - đơn vị khai thác tour Sơn Đoòng cho rằng, sản phẩm du lịch vẫn là cốt lõi của vấn đề vì sao Việt Nam chưa thu hút được nhiều khách Tây nói riêng và khách quốc tế nói chung. "Có sản phẩm chúng ta mới quảng bá điểm đến hiệu quả. Nếu giờ hỏi du lịch chúng ta có sản phẩm gì cho khách Âu - Mỹ, sản phẩm nào cho khách Á, chắc chắn không ai trả lời được. Vậy thì lấy gì để quảng bá?", ông Châu Á nhấn mạnh.

Cầu Vàng là cây cầu đi bộ dài 150m ở khu nghỉ mát Bà Nà Hills nằm trên đỉnh núi Bà Nà thuộc huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Cây cầu này nối trạm cáp treo với một số địa điểm thưởng ngoạn trong khu du lịch và là nơi chiêm ngưỡng cảnh quan từ trên cao.

Cây cầu được nâng đỡ bởi 2 bàn tay đá khổng lồ được khai trương tháng 6.2018, ở độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, sau gần 1 năm xây dựng và hoàn thiện, do nhóm kiến trúc sư Việt Nam thực hiện.

Cầu Vàng đã nổi tiếng khắp nơi, được nhiều báo quốc tế bình chọn một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới, trở thành điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.