Loạn nước súc miệng cai nghiện thuốc lá

14/09/2017 07:30 GMT+7

Nhiều sản phẩm nước súc miệng được giới thiệu có công dụng “cai nghiện thuốc lá”, trong khi nhà chuyên môn cho rằng những sản phẩm này không có công dụng “cai” thuốc lá.

Sau 4 ngày sử dụng loại nước súc miệng cai thuốc lá mua qua mạng, ngày 28.8, ông N.B.T (57 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) bị rát họng, ho dữ dội, chịu không thấu nên vào Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương để điều trị.
Ông T. cho biết ông hút thuốc lá nhiều, lên mạng thấy loại nước súc miệng được giới thiệu cai thuốc lá làm bằng thảo dược có tên T.N, nên đặt mua 2 chai (giá 2 chai 400.000 đồng). Ngày đầu súc miệng ông thấy nóng rát cổ họng. Những ngày sử dụng tiếp theo càng thấy nóng rát cổ họng, nhưng ông vẫn dùng vì nghĩ “tác dụng” của thuốc. Đến ngày thứ 4 thì không chịu được nữa.
Loạn tư vấn
Không khó để tìm thấy loại nước súc miệng T.N, khi tiếp cận người tư vấn thông qua một website quảng bá cai thuốc lá tại nhà, PV Thanh Niên được người này khẳng định T.N là “thuốc thảo dược dạng nước”. Không những vậy, “chuyên gia tư vấn” còn tuyên bố mỗi tháng có hàng ngàn người cai thuốc lá thành công nhờ sản phẩm T.N, được đăng ký tại Đắk Lắk.
Tương tự, nước súc miệng cai thuốc lá khác có tên P.B, được rao trên mạng “tự tin là thuốc có chất lượng số 1 VN”. Không chỉ thế, họ còn khẳng định đã “khảo sát” lâm sàng trên 1.000 khách hàng dùng thử trong 1 tuần thì 95% cai dứt hoàn toàn chỉ trong vòng 5 - 7 ngày; 5% phải dùng chai thứ 2, liệu trình kéo dài 10 - 12 ngày.
Còn nước súc miệng nhãn hiệu K. được giới thiệu là thuốc bí truyền hơn… 100 năm, cai nghiện thành công hơn 139.000 người? Nữ nhân viên tư vấn khẳng định sau khi dùng liều 2 chai loại 1.000 ml thì sẽ bỏ được thuốc lá, dù đã thất bại sau khi sử dụng loại khác và “nổ”: đây là thuốc y học cổ truyền được Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM kiểm tra hằng tháng. Trên mạng còn lan truyền “bài thuốc bí truyền” T.A, được giới thiệu cai thuốc “tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối” sau 5 - 7 ngày (?).

Chúng tôi đến các nhà thuốc trên đường Nguyễn Oanh, Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) để tìm hiểu sản phẩm nước súc miệng cai thuốc lá. Nhân viên ở các nhà thuốc này đều đưa ra loại nước súc miệng cai thuốc lá B.S và giới thiệu hàng bán rất chạy, “đứt” hàng mới có lại. Nhân viên các nhà thuốc cũng lập lờ đây là thuốc y học cổ truyền dạng nước…
Chiều 6.9, chúng tôi đến 3 nhà thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), thì được nhân viên các nhà thuốc đều giới thiệu sản phẩm cai nghiện thuốc lá là nước súc miệng B.S trên. Cùng một loại, khảo sát thực tế thì có nơi thừa nhận là thực phẩm chức năng, nhưng nơi bảo thuốc y học cổ truyền, và có nơi nói là nước súc miệng hỗ trợ cai thuốc lá.
Qua tìm hiểu, nước súc miệng B.S có số công bố 367/12/CBMP-HN (số công bố mỹ phẩm, tại Hà Nội), với công dụng: làm sạch răng, miệng, giúp hơi thở thơm tho; làm thay đổi mùi vị thuốc lá khi hút. Khử mùi vị thuốc lá, thuốc lào. Không có một chữ nào nói là thuốc “cai” được nghiện thuốc lá.
Bệnh nhân N.B.T sau khi dùng nước súc miệng cai thuốc lá
Không có công dụng “cai” thuốc lá
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM, khẳng định các chất thảo dược có trong nước súc miệng được quảng bá trên mạng chỉ là chất khử mùi, thanh nhiệt, không có công dụng “cai” thuốc lá. Sở Y tế TP sẽ lập đoàn đi kiểm tra các sản phẩm này.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Khoa Nội hô hấp - cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, cảnh báo: “Các sản phẩm rao trên mạng, nếu không rõ về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn, không nên dùng vì có thể gây tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, gây ra các vấn đề về răng miệng”.
Bác sĩ Hoàng cũng khẳng định: “việc điều trị thành công chỉ trong 5 - 7 ngày như quảng bá là điều không thể”.
Nước súc miệng được... công bố là mỹ phẩm
Chiều 6.9, ông Nguyễn Đình Diệm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết: “Nước súc miệng cai thuốc lá” T.N, được Sở Y tế Đắk Lắk công bố dưới dạng mỹ phẩm (số công bố 01/17/CBMP-ĐL ngày 10.5.2017). “Sở không cấp phép sản phẩm “nước súc miệng” này là thuốc, vì đó không phải là thuốc để cai thuốc lá”, ông Diệm nói.
Về sản phẩm P.B (KV.4, P.7, TP.Vị Thanh, Hậu Giang), ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, nói: “Sở chưa tiếp nhận đăng ký hay cấp phép cho loại thảo dược cai thuốc lá P.B nào” và cho biết thêm: “Nếu không phải là thuốc mà quảng cáo là thuốc thì còn vi phạm”.
Còn theo Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, nước súc miệng cai thuốc lá K. có địa chỉ ở TP nhưng hiện Sở chưa tiếp nhận đăng ký, công bố sản phẩm tại Sở.
T.Chuyên - Đ.Tuyển - D.Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.