|
Nguy cơ thiếu gas
Ông Chu Văn Tường, Giám đốc Công ty gas Thủ Đức, thừa nhận: “Thị trường gas đang thiếu hàng rất nặng, nhập hàng cũng không có. Các nước trong khu vực cũng không có gas, Trung Quốc chỉ mua vào trữ chứ không bán ra, chỉ còn cách nhập gas từ các nước Trung Đông hoặc vùng xa như Nga nhưng phải có tàu lớn, chỉ có Tổng công ty khí Việt Nam làm được, các công ty khác muốn nhập cũng không được”.
|
Tương tự, ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty CP MT gas cũng xác nhận: “Công ty đang thiếu hụt hàng, các công ty khác cũng vậy. Cơ cấu nguồn hàng của công ty thì 40% mua từ nhà máy Dung Quất, 40% nguồn hàng từ Nhà máy Dinh Cố, 20% còn lại nhập từ các nơi khác, hiện nay chỉ có nguồn từ Dinh Cố ổn định, còn lại bị động. Chúng tôi đang xúc tiến nhập hàng, sớm lắm cũng phải cuối tháng này mới có hàng về, sắp tới phải chấp nhận thiếu hàng”.
Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc điều hành Công ty TNHH khí hóa lỏng Cội Nguồn, khẳng định: “Chắc chắn các công ty gas đều gặp khó khăn về nguồn hàng do Nhà máy Dung Quất dừng đột ngột. Chúng tôi đang thiếu hàng nhưng rất khó mua, thời điểm này không công ty nào chịu bán hàng. Vấn đề không phải giá cao hay thấp nữa mà là không có hàng để mua”.
Trong khi đó, các công ty lớn còn hàng nhưng thủ hàng, chỉ ưu tiên bán cho khách hàng của mình theo sản lượng cố định. Đại diện Shell gas cho biết: “Theo kế hoạch, nguồn cung gas của công ty đủ hàng nhưng gần đây các khách hàng yêu cầu cung cấp lượng hàng nhiều hơn nên công ty chỉ cung ứng theo số lượng cam kết trước đây, chỉ cố gắng chứ không cam kết cung ứng lượng hàng khách hàng mua thêm ngoài dự tính”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Phó giám đốc Công ty gas Petrolimex Sài Gòn cũng khẳng định, công ty này không bị thiếu hàng nhưng các công ty khác đang rất bị động, thiếu nhiều. Nếu Nhà máy Dung Quất kéo dài thời gian khắc phục sự cố, thị trường gas sẽ gay go, nguồn hàng thiếu hụt trầm trọng.
Kinh doanh kiểu... ăn đong
|
Ông Tường phân tích, các công ty nhỏ đầu tư hết vốn liếng vào vỏ bình nhưng ngân hàng không coi đó là tài sản bảo lãnh, nên doanh nghiệp nhỏ kiệt lực, không có vốn mua gas, dẫn tới thực trạng có vỏ bình nhưng không có tiền mua gas để đưa ra thị trường. Các kho đầu nguồn cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nên việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đang cực kỳ yếu.
Ngược lại, bà Lê Thị Anh Mẫn - Phó tổng giám đốc Công ty gas SP kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng do ngành gas đang hoạt động tự phát, nhốn nháo. Nhà máy Dung Quất chỉ là đơn vị sản xuất, trường hợp bị sự cố nhà máy ngưng đột ngột là các công ty khách hàng phải tự lo tìm nguồn hàng, hoặc tự trữ hàng. Tuy nhiên, các công ty nhỏ thường không dự trữ hàng. Luôn mua một ngày bán hai ngày, thậm chí mua ngày nào bán ngày đó. Cả nước có khoảng 20 công ty đủ điều kiện nhập khẩu gas, còn khoảng 60 công ty nhỏ không đủ điều kiện nhập khẩu, chỉ mua lại hàng từ các đơn vị nhập khẩu để phân phối đã dẫn đến không chủ động được nguồn gas như hiện nay.
Theo bà Mẫn, các công ty thiếu hàng, ít hàng có thể sẽ tăng giá để giảm lượng hàng bán ra, dẫn đến nguy cơ đại lý bán lẻ lén lút tăng giá hơn mức đăng ký. Xé rào tăng giá gas từ các công ty nhỏ cũng là điều mà ông Trung lo ngại nếu thiếu gas kéo dài. Đại diện Shell gas cho rằng có đến hàng trăm nhà phân phối, bán lẻ nên việc kiểm soát giá cả trong điều kiện thị trường khan hiếm gas là rất khó khăn.
Tăng cường kiểm soát giá Theo ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, quản lý thị trường TP sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết và bán đúng giá niêm yết mặt hàng gas. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chánh thanh tra Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết lực lượng thanh tra sẽ kiểm tra các công ty, đại lý, nếu phát hiện sai phạm, như găm hàng, xé rào tăng giá phải xử phạt nặng, ngăn chặn tăng giá té nước theo mưa, găm hàng làm giá. |
Hoàng Việt
>> Thị trường gas hỗn loạn
>> Gas tăng 52.000 đồng/bình 12 kg
>> Thay đổi tem để chống gas dỏm
Bình luận (0)