Loạt nút thắt ùn tắc ở TP.HCM sắp được khơi thông

25/09/2024 06:18 GMT+7

Tháng 12 là mốc về đích của hơn 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.HCM. Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, cầu sẽ nối, hầm sẽ thông, giải tỏa cho hàng loạt tuyến đường đang ngột ngạt từng giờ vì ùn tắc.

Chờ hầm chui mở cửa ngõ

"Đường vô hầm xong rồi mọi người ơi", chị Thu An (ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) mừng rỡ nhắn tin kèm bức ảnh chụp một phần dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tin nhắn được gửi cho nhóm bạn đều đang sống cùng tại chung cư ngay khu vực vòng xoay trước cao ốc PV Gas Tower.

Suốt 2 tháng qua kể từ ngày chủ đầu tư thông tin một nhánh hầm chui sẽ thông xe vào 10.9, ngày nào chị Thu An cũng đứng từ văn phòng làm việc tại tòa nhà Mapletree Business Centre (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7), nhìn xuống khu vực công trường để dõi theo từng nhịp độ thi công dự án. Sốt ruột như vậy là bởi hơn 7 tháng kể từ khi giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ tạm đóng để làm phần giữa của hầm chui, giao thông các tuyến đường xung quanh lúc nào cũng trong tình trạng hầm hập phương tiện chen chúc.

 Loạt nút thắt ùn tắc ở TP.HCM sắp được khơi thông- Ảnh 1.

Dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang được đẩy nhanh tiến độ

ẢNH: PHẠM HỮU

Từ sáng sớm, hàng dài xe tải đã nối đuôi nhau xếp hàng trên đoạn đường kéo dài gần 2 km từ đoạn giao với đường Đông - Tây (xã Phước Kiển, Nhà Bè) tới tận vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.

Khu vực vòng xoay trước cao ốc PV Gas Tower giờ cũng trở thành điểm đen ùn tắc mới, đẩy dòng ô tô nối nhau kéo dài vào tận các nhánh đường nội khu. Tình trạng ùn tắc càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tiến tới gần cầu Rạch Đỉa 2. Xe đầu kéo, xe tải lớn chiếm một làn đường, ô tô con cùng taxi cũng vội vã giành luôn một làn kế bên, chỉ còn một khoảng nhỏ cho hàng chục ngàn xe máy chen nhau nên rất nhiều phương tiện đã leo lên cả phần vỉa hè chỉ khoảng 1 m dành cho người đi bộ trên cầu.

Được một thời gian, đơn vị chức năng đã nâng độ cao đoạn nối lên cầu, tạo thành bậc ngăn không cho người đi xe máy leo lên nhưng bức quá, người dân vẫn cố tình xếp gạch làm đường dẫn lên cầu. Tuyến đường đi vòng qua nút giao không kéo dài đoạn đường lên bao nhiêu nhưng tình trạng ùn tắc khiến thời gian di chuyển của người dân phải tăng thêm 20 - 30 phút. Vì thế, người dân khu nam thành phố ngày ngày mong ngóng tới tháng 9 để thông hầm.

Cập nhật từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), hiện nay các đơn vị thi công đã gần hoàn thiện phần san lấp mặt đường sau khi thi công xong hầm kín tại khu vực này, đồng thời phần lòng hầm chui đã và đang hoàn thiện thảm nhựa, kẻ vạch sơn và gắn đèn chiếu sáng.

 Loạt nút thắt ùn tắc ở TP.HCM sắp được khơi thông- Ảnh 2.

Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã được hoàn thiện một nhánh hầm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Từ đầu tháng 9 tới nay, mưa liên tục kéo dài, gây ngập úng nên công tác thảm nhựa cho dự án bị ảnh hưởng. Để bù lại tiến độ đã chậm, chủ đầu tư sẽ đôn đốc các đơn vị thi công làm ngày đêm, làm 3 ca, có thời điểm phải làm 4 kíp, tập trung làm tối đa ngày nắng ráo. Nhánh hầm HC2 hiện đã gần hoàn thành 100% khối lượng công việc, dự kiến sẽ thông xe trong tuần cuối cùng của tháng 9 này. Trong khi đó, nhánh hầm HC1 hiện đã thi công được khoảng 60%, theo kế hoạch sẽ thông xe toàn bộ dự án trước 31.12 năm nay.

Ở cửa ngõ phía đông, 2 hầm chui thuộc dự án nút giao An Phú gồm HC1-1 và HC1-2 cũng đã lộ diện. Dự án được khởi công hồi tháng 12.2022, với thiết kế 3 tầng, là nút giao khác mức với hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Phía chủ đầu tư cho biết phía nhà thầu đang nỗ lực đẩy tiến độ, đưa vào thông xe trước một nhánh hầm chui HC1 vào cuối tháng 12. Đây vốn là nút thắt cổ chai khiến mỗi khi xe vào/ra khỏi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì luôn là nỗi ám ảnh. Lãnh đạo TP.HCM đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng nút giao phức tạp nhất này.

Trong khi đó, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hầm chui thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, một trong những hạng mục quan trọng nhất của gói thầu số 9 cũng đã thông xe ngày 10.8, góp phần giảm áp lực giao thông cho các tuyến đường xung quanh. Dự kiến tháng 12 tới, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành, tạo ra tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, kết nối trực tiếp với nhà ga T3.

Trước mắt, đường Hoàng Hoa Thám và đường 18E là hai nhánh của đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa đang được tập trung xây dựng. Trong tháng 10 này, đường 18E sẽ thông xe giúp cho một khu vực lớn, vòng xoay Lăng Cha Cả bớt kẹt. Người dân có thể đi thẳng từ hầm chui qua đường Thăng Long, Phan Thúc Duyện đến đường 18E rồi rẽ ra Cộng Hòa.

Cầu nối, đường thông

Cùng với việc khơi thông các nút giao trọng điểm, từ nay đến cuối năm cũng là thời điểm rất nhiều các cây cầu hoàn thiện, đưa vào phục vụ người dân TP.HCM.

Dự báo giao thông khu vực phía nam TP.HCM sẽ có bước thay đổi ngoạn mục bởi bên cạnh vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, 2 cây cầu: Phước Long trên đường Phạm Hữu Lầu (nối Q.7 và H.Nhà Bè) và cầu Rạch Đỉa mới (nối Q.7 và H.Nhà Bè) trên đường Lê Văn Lương đều dự kiến thông xe cuối năm nay.

 Loạt nút thắt ùn tắc ở TP.HCM sắp được khơi thông- Ảnh 3.

Hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình) đã được đưa vào hoạt động từ tháng 8

ẢNH: NHẬT THỊNH

Trong đó, cầu Rạch Đỉa mới hiện đã thi công hoàn thành 10/10 mố trụ, hoàn thành lao lắp dầm cầu 7/9 nhịp và đang thi công bản mặt cầu. Đồng thời, các đơn vị cũng đang chuẩn bị lắp dầm cầu hai nhịp còn lại đạt 70%. Công trình được phê duyệt từ năm 2001 nhằm thay thế cầu cũ đã xuống cấp nhưng tới tháng 8.2023 mới khởi công do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Cầu dài gần 318 m (gồm cả cầu và đường dẫn khoảng 233 m), rộng hơn 10 m với tổng mức đầu tư hơn 512 tỉ đồng, sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Đỉa 2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời tăng tính kết nối với tỉnh Long An, góp phần khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông phía nam thành phố.

Tương tự, cầu Phước Long dài 380 m không chỉ có ý nghĩa giảm ùn tắc mà còn xóa bỏ hình ảnh trụ cầu dở dang nằm phơi nắng gió. Công trình được khởi công vào tháng 2.2020, nhưng mới thi công xong một số trụ cầu thì phải tạm dừng tới tháng 7.2022, cầu Phước Long được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 748 tỉ đồng và thi công trở lại sau đó 1 năm. Hiện dự án đạt gần 80% khối lượng, sẽ thông xe tháng 12 năm nay. Trước đó, cầu Cây Khô với tổng mức đầu tư 500 tỉ đồng cũng đã chính thức thông xe ngày 30.8, nối liền 2 khu vực bờ Đông và bờ Tây xã Phước Lộc, giúp rút ngắn khoảng cách đi lại giữa H.Nhà Bè và H.Bình Chánh.

Trong khi đó, thành phố sáng tạo phía đông cũng sẽ thay đổi diện mạo sau khi hàng loạt cây cầu hoàn thành, trợ lực cho nút giao An Phú. Cụ thể, xung quanh khu vực này có cầu Bà Dạt dài 82,3 m, cầu Giồng Ông Tố 2 dài 436 m dự kiến hoàn thành vào 30.9; hầm chui tại giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống dự kiến thông xe ngày 31.12.

Nằm trên tuyến đường huyết mạch Đỗ Xuân Hợp nối xa lộ Hà Nội với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nam Lý được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc nghiêm trọng nhiều năm qua trên con đường này. Đây cũng là dự án trọng điểm của TP.Thủ Đức nhằm tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, góp phần giảm ùn tắc tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm. Trải qua gần một thập kỷ, cầu Nam Lý hiện đã hoàn thành hơn 90% tổng khối lượng và đang được hoàn thiện giai đoạn cuối cùng để chuẩn bị thông xe cuối tháng này. Cách cầu Nam Lý hơn 6 km, công trình cầu Tăng Long nằm trên đường Lã Xuân Oai (TP.Thủ Đức) bắc qua rạch Trau Trảu cũng sẽ cho thông xe trước một nhánh cầu vào cuối tháng 12 năm nay và hoàn thành toàn bộ cây cầu cuối năm 2025.

Tại cửa ngõ phía tây, cầu Bà Hom trên tỉnh lộ 10 với tổng vốn đầu tư hơn 374 tỉ đồng sẽ hoàn thành và thông xe vào ngày 30.11. Dự án mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý dài 2 km (từ đường Bình Long tới Mã Lò) cũng đang tăng tốc thi công với mục tiêu thông xe vào 30.11. Sau đó, cầu Tân Kỳ - Tân Quý với tổng vốn đầu tư gần 500 tỉ đồng dự kiến sẽ thông xe vào 31.12, đồng bộ với mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, kênh Tham Lương xóa "nút thắt cổ chai" cho khu vực.

Ngoài ra, 4,3 km đường song hành thuộc dự án mở rộng QL50 (H.Bình Chánh) cùng các tuyến đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp), Nguyễn Cửu Phú, Trần Hải Phụng, Phạm Thị Tánh (H.Bình Chánh), Hiệp Thành 43 (Q.12)... cũng sẽ được đưa vào khai thác trong năm, góp phần giảm ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố.

Đường dài, vẫn phải là giao thông công cộng

Bên cạnh các công trình mở đường, xây cầu, cuối năm 2024 dự kiến đánh dấu mốc lịch sử cho ngành giao thông TP.HCM khi tuyến metro đầu tiên chính thức đưa vào vận hành khai thác. Mới đây, chủ đầu tư đã triển khai lắp đặt nhịp dầm cầu bộ hành cuối cùng tại nhà ga Thủ Đức, hoàn thành kết nối cầu các nhà ga trên cao thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên).

Theo thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), hiện nay, công tác hoàn thiện kiến trúc cầu bộ hành cũng đang được Nhà thầu SCC khẩn trương hoàn thành. Nhà thầu đã cơ bản hoàn thành toàn bộ hạng mục kiến trúc (lát gạch sàn, kết cấu khung thép, tấm lợp mái, lan can, cầu thang) tại 7/9 nhà ga và phấn đấu thi công hoàn thành 2 cầu bộ hành cuối cùng (cầu Thủ Đức, Đại học Quốc gia) trong tháng 10, kịp phục vụ việc tổ chức kiểm tra nghiệm thu PCCC để hoàn thành dự án đưa vào vận hành vào cuối năm 2024.

Theo tính toán của MAUR, tuyến metro số 1 sau khi hoàn thành đồng bộ cùng mạng lưới xe buýt gom và các hạ tầng kết nối như cầu bộ hành thì mỗi ngày có thể chuyên chở 110.000 hành khách, phần nào giảm áp lực cho hạ tầng giao thông TP.HCM. Tuy nhiên, Phó trưởng ban phụ trách MAUR Nguyễn Quốc Hiển nhấn mạnh đường sắt đô thị hoạt động theo nguyên lý mạng lưới. Nó chỉ phát huy tốt khi có sự nối kết thuận tiện, không chỉ các tuyến với nhau mà còn cả với hệ thống xe buýt.

Đơn cử, hành trình đi từ Thủ Đức tới Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trên địa bàn Q.10, nếu đi tuyến metro số 1 đến ga Bến Thành, sau đó phải bắt xe tới Q.10 thì khá khó khăn, ít người sử dụng. Song, nếu có thêm tuyến metro số 2 thì chỉ cần chuyển tàu 1 lần là có thể đến nơi. Chưa kể tuyến đường sắt đô thị số 1 chạy song song với xa lộ Hà Nội, nếu hoàn thành 1 tuyến chỉ có thể giải quyết ùn tắc dọc tuyến xa lộ Hà Nội và đường Nguyễn Hữu Cảnh, các phạm vi khác của thành phố chưa có nhiều tác động.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cũng xác định giao thông công cộng mà trong đó mạng lưới metro với vai trò xương sống sẽ là lời giải bền vững cho bài toán ùn tắc giao thông của một đô thị lớn như TP.HCM. Trong thời gian chờ metro, Sở GTVT cùng các đơn vị đang thực hiện tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, các phương thức vận tải khác. Phát triển giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân là mục tiêu mà TP.HCM đang hướng tới.

Mạng lưới 8 tuyến metro hoàn thiện kết hợp cùng hệ thống xe buýt, đường sắt trên cao... có thể đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.HCM.

Ông Nguyễn Quốc Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.