Loạt tồn tại trong quản lý tài chính, tài sản công của 'ông lớn' TKV

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/02/2023 11:42 GMT+7

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác tài chính, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước cho biết, Kiểm toán Nhà nước vừa phát hành báo cáo kiểm toán cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của TKV.

Loạt tồn tại trong quản lý tài chính, tài sản công của 'ông lớn' TKV - Ảnh 1.

Khai thác than của TKV

VINACOMIN

Cuộc kiểm toán được tiến hành tại TKV từ ngày 7.9.2022 đến 31.10.2022, cho thấy nhiều tồn tại trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán trong quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định thuê ngoài cung cấp dịch vụ… tại TKV.

Quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho hay, đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng tại ngày 31.12.2021.

Báo cáo dẫn chứng, theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31.12.2021 của TKV là 279,157 tỉ đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238,278 tỉ đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị.

Về quản lý hàng tồn kho, còn có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định, còn có các trường hợp công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Quản lý doanh thu, thu nhập còn có đơn vị chưa thực hiện kê khai giá bán than theo quy định; một số khách hàng chưa có hồ sơ đủ điều kiện hộ kinh doanh thương mại.

Còn tồn tại trong phê duyệt kế hoạch mua sắm

Về quản lý chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh, chưa ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa xây dựng, ban hành tỷ lệ hao hụt đối với công đoạn vận chuyển than theo từng cung độ vận chuyển, loại phương tiện, độ ẩm thực tế áp dụng; chưa cập nhật, xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu trên cơ sở định mức tiêu hao nhiên liệu TKV; định mức năng suất thiết bị, tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô và máy xúc phục vụ công nghệ chưa gắn với năng suất hoạt động.

Đối với việc quản lý các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, có đơn vị chưa kê khai thuế giá trị gia tăng đối với hàng biếu tặng; tính thiếu thuế thu nhập cá nhân; chưa loại trừ một số khoản chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; chưa giảm thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ cổ tức; trích Quỹ Khoa học và công nghệ vượt quy định.

Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định, qua kiểm toán chọn mẫu một số gói thầu đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định, thuê ngoài cung cấp dịch vụ tại các đơn vị được kiểm toán cho thấy, còn tồn tại trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán.

Nghe nhanh 6h ngày 4.2: Chuyện 2 tỉ phú giữa sóng gió | Tình tiết hy hữu vụ cán bộ đánh bạc

Một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả, như: đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty cổ phần sắt Thạch Khê...

Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán đối với 6 dự án được kiểm toán, gồm: dự án Suối Lại - Công ty Than Hòn Gai - TKV; dự án Vi kẽm (Bát Xát, Lào Cai) - Tổng công ty Khoáng sản TKV; dự án đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất năm 2020 - Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin; dự án Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai - Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin; dự án Vận chuyển xít ngược - Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV và dự án Băng tải than Khe Chàm - Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV.

Kết quả kiểm toán chỉ ra nhiều kết quả quan trọng ở các nội dung: công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; lựa chọn nhà thầu và ký kết thực hiện hợp đồng; quản lý tiến độ; quản lý chất lượng và đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với 6 dự án.

Theo đó, đánh giá về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với 6 dự án, Kiểm toán Nhà nước khẳng định quá trình thực hiện đầu tư, tiến độ còn một số hạng mục, công trình thực hiện chậm so với yêu cầu của hợp đồng; dự án thực hiện chậm so với dự án đầu tư được phê duyệt và một số hạn chế tồn tại trong chấp hành chính sách, chế độ dẫn đến phải giảm thanh, quyết toán chi phí đầu tư…

Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.