Tính từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn TP đã có 22.417 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) (tăng khoảng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2018), trong đó 3 ca tử vong. Các quận, huyện có số ca SXH cao như: quận 12, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức... Trung tâm y tế dự phòng TP khuyến cáo tháng 6 là thời điểm bắt đầu mùa mưa nên dự báo số ca mắc bệnh SXH sẽ còn tăng trong vài tuần tới.
tin liên quan
Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùaBao nhiêu năm nay, năm nào cũng nghe "điệp khúc" ngành y tế tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống SXH, kêu gọi mọi người, mọi gia đình và các tổ chức, đoàn thể diệt lăng quăng trong mỗi hộ gia đình, kiểm tra giám sát các điểm có nguy cơ gây bệnh, xử lý triệt để một số "điểm nóng" SXH trên địa bàn... Thế nhưng, bệnh SXH vẫn cứ gia tăng ở TP.HCM. Cả năm 2018, toàn TP có 35.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong. Năm 2018, kinh phí dùng cho việc mua hóa chất dùng trong phòng chống bệnh SXH tại TP là khoảng 4 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng dùng cho các hoạt động giám sát, truyền thông, xét nghiệm... có liên quan.
Được biết, ngoài Trung tâm y tế dự phòng TP, các quận huyện còn có ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, do một lãnh đạo ủy ban làm trưởng ban. Tương tự, ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp phường, xã do một lãnh đạo phường/xã làm trưởng ban. Lực lượng các ban ngành tham gia ban chỉ đạo phòng chống dịch gồm có: y tế, giáo dục, hội phụ nữ..., trong đó y tế tham gia với vai trò chính - làm công tác tham mưu trong phòng chống dịch bệnh.
Lực lượng nghe thì hùng hậu nhưng công tác phòng chống dịch trong thời gian qua chưa thực sự đạt được hiệu quả cao, năm nào cũng phải chạy đuổi theo đuôi dịch.
Điều đáng nói là "điệp khúc" về lý do khiến bệnh SXH tại TP.HCM xảy ra nhiều được đưa ra hằng năm, đó là: 24 quận/huyện của TP luôn là địa phương thuận lợi cho sự lây lan bệnh SXH, bởi mật độ dân cư đông đúc, giao lưu mạnh, tốc độ đô thị hóa, xây dựng và phát triển hạ tầng nhanh chóng, người dân chưa ý thức cao về phòng chống dịch bệnh... Dù đã biết được lý do, nguyên nhân khiến bệnh SXH gia tăng, nhưng việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan để khắc phục, giải quyết nguyên nhân đó lại không triệt để. Đó là điều các lực lượng liên quan cần xem lại trong công tác, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh SXH để có phương án phòng bệnh hiệu quả hơn, bởi mưa đã vào mùa, nguy cơ bệnh SXH còn gia tăng khiến các gia đình lo lắng.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý thêm, việc "chung tay" của người dân trong phòng bệnh rất quan trọng. Cụ thể, để phòng chống bệnh SXH, các hộ gia đình không để nước tù đọng... làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
Bình luận (0)