Việc sản xuất lúa tại Lệ Thủy chủ yếu tập trung theo 2 vụ chính: đông xuân và hè thu. Tại một số vùng, do đặc điểm tự nhiên và thời tiết nên người dân sản xuất lúa tái sinh. Nghĩa là khi gặt lúa đông xuân, bà con để lại chân rạ cao, tránh hư hại gốc rạ, sau đó chăm bón gốc rạ phát triển thành cây lúa mới. Vì thế, lúa tái sinh nhanh thu hoạch hơn. Trước đây, lúa tái sinh chủ yếu được làm tại những địa bàn thấp trũng của huyện nhưng càng ngày diện tích càng lan rộng, bùng phát đến những địa bàn có chân ruộng cao.
Lợi và hại
Theo đánh giá, ưu điểm lúa tái sinh là thời gian sinh trưởng ngắn nên thu hoạch sớm tránh lũ đầu vụ, giải phóng được áp lực thời vụ trong vụ đông xuân, chủ động lùi thời vụ đông xuân tránh rét; chi phí đầu tư thấp hơn vụ hè thu… Có thời điểm, chính quyền địa phương cho rằng việc chuyển đổi sang lúa tái sinh và trồng màu trước mắt là giải pháp hợp lý nhất. Vì thế, nông dân ồ ạt làm lúa tái sinh, đẩy diện tích vụ hè thu giảm xuống. Một số xã đã chuyển toàn bộ diện tích sang lúa tái sinh.
tin liên quan
Tôn vinh nông dân làm nông nghiệp thông minhChủ trương một đằng, thực tại một nẻo
Từ thực tiễn, UBND tỉnh Quảng Bình liên tục có những chỉ đạo phải hạn chế lúa tái sinh, khuyến khích nông dân trở lại làm vụ hè thu. Những năm qua, UBND H.Lệ Thủy cũng quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa bàn về việc tăng diện tích lúa hè thu; khắc phục tình trạng làm lúa tái sinh theo phong trào. Địa phương liên tục có những hỗ trợ người dân làm vụ hè thu như: đối với vụ 2018 sẽ hỗ trợ 100% giống cho diện tích làm mới, trợ giá 4.000 đồng/kg giống lúa chất lượng cao cho diện tích hè thu còn lại; hỗ trợ vật liệu làm hàng rào diệt chuột cho diện tích làm mới; hỗ trợ 100% thuốc diệt chuột.
Thế nhưng kết quả vẫn thấp. Theo báo cáo của UBND huyện về sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2018, diện tích lúa đông xuân - tái sinh ngày càng tăng. Kế hoạch làm lúa hè thu là 2.403 ha nhưng báo cáo tháng 7 cho biết chỉ có 1.215 ha, bằng 50,56% kế hoạch giao và bằng 76,32% so với cùng kỳ. Trong khi tổng diện tích lúa tái sinh hơn 8.486 ha, bằng 104,32% so với năm 2017, tăng 351,5 ha.
Tại Lệ Thủy đã và đang xảy ra nghịch cảnh: người dân vẫn gò lưng gặt lúa đông xuân bằng tay giữa thời đại công nghệ, nhằm bảo tồn được chân rạ để phát triển lúa tái sinh, dẫn đến khan hiếm nhân công và giá đắt đỏ (400.000 - 450.000 đồng/sào); trong khi máy gặt liên hợp thì ế ẩm mặc dù giá thấp hơn nhiều (120.000 - 150.000 đồng/sào). Nhiều gia đình tính lui tính tới thấy dùng máy vẫn có lời nên đành bấm bụng thuê máy gặt, chấp nhận bỏ phần diện tích gốc rạ bị máy chà hư hỏng, đồng nghĩa sản lượng lúa tái sính sụt giảm.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, nhìn nhận: “Không thể ép buộc người dân sản xuất theo hình thức nào, họ làm gì thấy có lợi thì họ chọn thôi”. Điều này cho thấy giữa chủ trương và thực tại còn mâu thuẫn, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tâm lý sản xuất, điều hành và hiệu quả kinh tế ở địa phương.
Bình luận (0)