Loay hoay với văn hóa giao thông

29/10/2010 20:43 GMT+7

66 học sinh (HS) tại TP.HCM vi phạm luật giao thông bị phát hiện trong Tháng an toàn giao thông (tháng 9.2010). Trước đó, bình quân chỉ có 8 HS/tháng vi phạm.

Cán bộ Phòng Công tác HS, sinh viên (Sở GD-ĐT TP.HCM) đã công bố như trên trong hội thảo mới đây với chủ đề “Giải pháp xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên TP.HCM” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức.

Đang là sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Nguyễn Thị Tuyết Lan trăn trở: Do kỹ năng xử lý tình huống kém nên khi xảy ra va chạm trong giao thông, nhiều thanh thiếu niên đã văng tục, chửi thề, sẵn sàng ẩu đả, thậm chí đâm chém nhau... “Cũng ở lứa tuổi này, tôi nhận thấy tâm lý thanh thiếu niên rất thích khẳng định cái tôi và bản lĩnh của mình. Chính điều này nhiều lúc tạo nên sự nông nổi, bốc đồng và thiếu kiềm chế khi tham gia giao thông. Chỉ cần một khiêu khích nhỏ mà có người bất chấp cả tính mạng để chứng tỏ sự “vượt trội” của mình” - Lan chia sẻ. Mặt khác, Lan còn chỉ ra sự dễ dãi trong việc thi lấy bằng lái xe phần nào hạn chế sự chấp hành luật giao thông của người trẻ. Cô sinh viên này nêu tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông kém, nhiều con đường bị đào xới liên tục... khiến nhiều người phải chạy lên vỉa hè. “Dù gì thì đây cũng là hậu quả của việc thiếu kỹ năng ứng xử!” - Lan khẳng định.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nghệ đã trích dẫn kết quả điều tra gần đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia như sau: Gần 80% người bị xử lý khi tham gia giao thông trong độ tuổi từ 16 đến 35; Gần 80% SV đi xe máy không có giấy phép lái xe; 95% SV điều khiển xe máy sai kỹ thuật. Gần như 100% trong số HS THPT sử dụng xe máy đến trường khi không có giấy phép...
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) kể câu chuyện cười ra nước mắt: “Nhiều đôi trai gái lưu thông trên đường mà cứ ôm riết nhau. Chỉ cần bất cẩn rồ ga một phát là họ đã đâm vào xe người khác. Tôi từng là nạn nhân của kiểu va chạm như vậy!”.

 Nhiều ý kiến phản ánh sự nuông chiều, thiếu gương mẫu đối với con trẻ của một số phụ huynh. TS Nguyễn Văn Nghệ - trường ĐH Cảnh sát nhân dân (thuộc Bộ Công an) nói: “Nên đưa những người vi phạm giao thông ra kiểm điểm trước tổ dân phố để họ thấy hổ thẹn. Bên cạnh đó, cũng cần biểu dương tại nhà trường và tổ dân phố những gương tốt, như tham gia ngăn chặn nạn đua xe trái phép...”.

Còn bà Trần Thị Thu Hà - Phó trưởng ban Tuyên giáo Q.3, nêu nghịch lý: Tỷ lệ đạt chuẩn gia đình văn hóa trên địa bàn TP.HCM rất cao - chiếm 90%, 95%, có nơi lên đến 98%. Nhưng trên thực tế, số gia đình không gương mẫu chấp hành pháp luật, cụ thể ở đây là Luật An toàn giao thông đường bộ còn nhiều. Bà Hà kiến nghị: "Việc xây dựng gia đình văn hóa cần phải đi vào thực chất hơn”.

Cán bộ Phòng Công tác HS, SV (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay sở này đã thực hiện những biện pháp nghiêm khắc như: Yêu cầu HS, SV vi phạm làm kiểm điểm và lưu hồ sơ; mời phụ huynh đến thông báo, nhắc nhở và cam kết với nhà trường không để con em tiếp tục vi phạm; cảnh cáo trước lớp; hạ bậc hạnh kiểm trong đánh giá xếp loại học kỳ... Tuy nhiên, vị cán bộ này hết sức băn khoăn: “Một số em bị đưa ra kiểm điểm ở trường còn tỏ ra... tự hào vì đã có những hành vi vi phạm! Chúng tôi chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu vì chưa có chế tài thích đáng đối với những trường hợp này”.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.