Anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ H.Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) phải mất hơn 45 phút vật lộn, điều khiển chiếc xuồng máy chở hơn chục bao lúa vượt qua thảm lục bình dày đặc trên mặt sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa phận P.Long Thành Trung (TX.Hòa Thành). “Mấy hôm nay tôi phải chuyển lúa ở bên sông về mà vất vả không tưởng tượng nổi. Chỉ vài trăm mét nhưng di chuyển gần 1 giờ mới tới nơi”, anh Bình ngao ngán nói. Xa xa, những chiếc ghe máy khác vẫn gầm rú inh ỏi để vượt qua đám lục bình phủ khắp mặt sông.
Xử lý lục bình bằng phương tiện tự hành |
GIANG PHƯƠNG |
Trong những năm gần đây, giải pháp xử lý lục bình trên mặt sông Vàm Cỏ Đông của tỉnh Tây Ninh luôn được người dân quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sinh hoạt của họ. Dù đã qua nhiều năm, với nhiều giải pháp xử lý khác nhau, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã chi hàng tỉ đồng, nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng này.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ Campuchia, chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh dài 105 km đến tỉnh Long An. Công tác xử lý lục bình trên sông được UBND tỉnh giao cho Sở GTVT Tây Ninh thực hiện, riêng lục bình trên các kênh rạch thì giao cho các huyện ven sông xử lý. “Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về kéo theo lục bình đẩy ra cửa biển nên trên sông rất thông thoáng. Tuy nhiên vào mùa khô, do ảnh hưởng của nhiệt độ và lượng lục bình do người dân khoanh nuôi cá ven sông, trong các kênh rạch, cộng với lục bình ở thượng nguồn và hạ lưu theo con nước lên xuống đổ về, nên phát triển rất nhanh. Trung bình khoảng 18 - 22 ngày lượng lục bình có thể tăng gấp đôi”, ông Tài cho biết.
Trước đây, Công ty TNHH Huỳnh Vương trúng thầu công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông trong 5 năm (từ 2017 - 2022) với tổng kinh phí được UBND tỉnh chi là 9,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 8.2020, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đã thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng xử lý lục bình trên cơ sở đề xuất của đơn vị này.
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, từ tháng 10.2020, Sở GTVT Tây Ninh đã đặt hàng giải pháp thử nghiệm xử lý lục bình bằng máy tự hành của Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công). Theo đó, lục bình sẽ được máy tự cắt và đem đi xử lý. Ông Tài cũng cho biết 2 năm nay lục bình trên sông cơ bản có giảm, tàu ghe lớn lưu thông tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đối với tàu ghe công suất nhỏ vẫn di chuyển khó khăn vào thời điểm lục bình bị dồn ứ cục bộ do thủy triều. Hiện UBND tỉnh Tây Ninh đã thông qua định mức đơn giá cho công tác xử lý tình trạng này. “Chúng tôi đang tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị thực hiện trong thời gian tới, đồng thời xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện trên sông, đặc biệt là tàu ghe có công suất nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động ngư nghiệp”, ông Tài nhấn mạnh.
Bình luận (0)