'Lọc' dự án để chuyển dịch cơ cấu kinh tế

29/08/2020 07:56 GMT+7

Việt Nam phải hướng theo các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án đầu tư, bỏ khái niệm thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Trong cuộc họp báo ngày 26.8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, dù Việt Nam đang hấp dẫn hơn nhiều nước trong khu vực về thu hút đầu tư, nhưng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ đang là cản trở lớn cho thu hút FDI của Việt Nam.
Tuy khẳng định mối quan tâm lớn của nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam phải thu hút theo các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án đầu tư, bỏ khái niệm thu hút đầu tư bằng mọi giá. Đặc biệt, phải lựa chọn các dự án sử dụng công nghệ cao, sử dụng tài nguyên hiệu quả... trong quá trình thu hút, phải “bám” các định hướng quan trọng trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị để chọn dự án.
Các chuyên gia cho rằng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng thành công sẽ là thế mạnh cho Việt Nam được “đại bàng” ngó đến. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói, chính sách chọn lọc nhà đầu tư cực kỳ quan trọng, không phải kiểu con nhà giàu “kén cá chọn canh”, mà là chọn ưu đãi đầu tư thế nào. Công nghiệp phụ trợ của chúng ta đang “có vấn đề”, phải ưu đãi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành đang yếu và thiếu, mang tính bản lề, dẫn đầu để mồi dẫn cho lĩnh vực đầu tư mà chúng ta cần thu hút, như sản xuất khung gầm ô tô chẳng hạn, phải ưu đãi để thu hút.
Song phải hết sức cẩn trọng với những ngành đang được liệt kê trong danh sách “tranh đầu tư để lẩn tránh xuất xứ”. Theo ông Thịnh, sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành sản xuất xuất khẩu Việt Nam bị áp lực phải đáp ứng tỷ lệ xuất xứ để hưởng thuế. Tăng vốn ngoại là tốt, nhưng với các dự án mượn Việt Nam để xuất hàng là đội lốt, không thực tế, các địa phương phải nhạy để lọc những dự án này. Đặc biệt, khi cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để những dự án FDI này vào với mục đích lẩn tránh xuất xứ thì chúng ta đang... rước họa vào thân, nguy cơ bị trừng phạt áp những biện pháp phòng vệ thương mại cũng rất cao.
“Chính xác là các địa phương trong mời gọi và ưu đãi phải bám sát Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị mà triển khai, ưu đãi dự án công nghệ cao đồng thời phòng vệ, tránh được các nhà đầu tư chỉ chăm chăm vào Việt Nam để mượn xuất xứ xuất khẩu hàng hóa”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn bổ sung: “Đất đai có giới hạn, nó không phình ra hoặc thay đổi được như chính sách. Nên công tác “dọn tổ” phải nhất quán từ trước đến nay. Chẳng hạn, nguồn đất đó dự tính mời gọi những đại bàng như Apple, nhưng họ không đến. Hãy để dành đó cho con cháu mời những “đại bàng” khác cho những năm sau”. Và muốn mời gọi được các nhà đầu tư lớn, cứ “nương” theo danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới để lọc ra mà tiếp cận, marketing và lên kế hoạch ưu đãi cụ thể. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.