Lộc trời cuối năm, thu về 2-3 triệu/ngày

26/01/2022 12:21 GMT+7

Những ngày cuối năm âm lịch, nhiều người dân ở Quảng Bình rủ nhau đi săn “lộc trời”, từ những mẻ cá lớn cho đến mùa đót trên rừng cao...

Trúng đậm mùa cá trích

Nhiều ngày qua, ngư dân vùng biển Hải Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) rủ nhau ra khơi từ sớm để thả lưới bắt cá trích. Từ tháng 12 kéo dài đến tháng 3 năm sau là mùa cá trích, ruốc xuất hiện nhiều nhất. Anh Nguyễn Văn Phinh, 42 tuổi, thôn Tân Định (xã Hải Ninh) nhưng có thâm niên hơn 30 năm đánh bắt cá, nên rành rẽ chuyện “săn” cá trích mùa này. “Chỉ cần ra khơi là chắc chắn có cá. Ra khơi từ lúc 5 giờ sáng, chỉ sau 4-5 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển là tôi đã thu về ít nhất cũng được 3 tạ cá”, anh nói.

Ngư dân vùng biển Hải Ninh trúng mùa cá trích cuối năm

BÁ CƯỜNG

Cứ vào quãng gần trưa, bà Hoàng Thị Bé (50 tuổi, thôn Tân Định) lại ra bờ biển chờ chồng và con trai cập bờ, rồi phụ giúp đẩy ghe cạn và cùng thu hoạch cá. Hôm chúng tôi đến, ghe nhà bà Bé trúng đậm nhất với gần 5 tạ cá trích. “Hôm nào chồng con ra khơi, tôi cũng cầu mong sẽ trúng được một mẻ cá thật đậm. Nhìn cá lấp đầy ghe thế này quả thực rất vui, đến giờ này không phải lo tiền đâu sắm tết nữa rồi”, bà hào hứng.

Với giá bán từ 15.000 đồng/kg cá tươi, dù chưa phải là mùa bội thu nhất trong năm của ngư dân nhưng nguồn thu này cũng kha khá ở thời điểm giáp Tết, với mức thu nhập từ 25-30 triệu đồng trong vòng 10 ngày ra khơi.

Cát trắng, một vốn bốn lời

Cận Tết cũng là lúc mọi nhà thay cát cho lư hương. Vốn dĩ có sẵn trong tự nhiên, giá thành tầm 5.000 đồng/kg nhưng ít ai biết được để lấy được loại cát trắng chuyên dành cho việc cắm hương lại cực kỳ vất vả.

Anh Nguyễn Văn Sơn (36 tuổi, thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh) từ nhỏ đã gặp nạn mất đi một cánh tay, không có nhiều nghề để lựa chọn nên chuyện đào bới cát trắng để bán dịp Tết cũng giúp mang về nguồn thu. “Chỉ cần chạy xe dọc tuyến đường tránh cách trung tâm xã chỉ 3 km, đào bới trong một giờ đồng hồ là đã có 5 - 7 tạ cát mang về, chở nhiều chuyến bằng xe máy”, anh Sơn nói.

Dù vất vả nhưng nghề lấy cát cũng giúp nhiều người dân kiếm thêm thu nhập

BÁ CƯỜNG

Dọc tuyến đường từ H.Quảng Ninh kéo dài đến H.Lệ Thủy, cát bao phủ nhưng để có được cát trắng đúng ý người mua cũng không dễ. Người đi lấy cát phải vào sâu trong bãi, đào xuống hơn 1 mét. Để lấy được cát sạch, không bị lẫn cát vàng, người đào cũng phải khéo léo để “tách” được hai màu cát ra với nhau. Sau đó, cẩn thận bồi lấp hố để tránh nguy cơ hố bất ngờ bị sập, phải đào lại từ đầu.

Làm nghề lấy cát đã hơn 5 năm, bà Nguyễn Thị Thộ (65 tuổi, xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh) cho biết tìm được cát trắng là một chuyện, để vận chuyển về tới nhà lại là một chuyện khác. Cát khi mang về phải sàng lọc không bị lẫn sỏi đá rồi rửa với nước cho cát có màu sáng hơn, phơi 1-2 ngày là đã có thể gom lại mang đi bán. “Nghề này tất nhiên… không sợ lỗ, chỉ là hơi vất vả. Bán trong 10 ngày cuối năm, tôi cũng thu về được 2-3 triệu đồng”, bà Bé chia sẻ.

Băng rừng tìm đót

Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Lâm Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) đến xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), không khó để bắt gặp các em nhỏ đeo gùi cầm rựa cùng bố mẹ băng rừng tìm đót. Cây đót phát triển mạnh nhất lúc trời giao mùa giữa đông và mùa xuân. Trời nắng ấm, đót sẽ trổ càng nhiều, nhưng chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng.

Hồ Văn Pơn (14 tuổi) và Hồ Văn Bôn (15 tuổi, ở thôn Tăng Ký, xã Lâm Thủy, H.Lệ Thủy) ngày cuối tuần rủ nhau vào rừng tìm đót, phụ giúp bố mẹ. Đầu mùa đót mọc dọc đường rất nhiều, dễ hái nên cũng mau hết. Giờ muốn có nhiều đót, các em phải vào rừng. Đót bán tươi cho thương lái với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Hộ nào phơi rồi đan đót thành chổi có thể bán với giá cao hơn. Khi đót khan hiếm, những đứa trẻ Vân Kiều như Bôn và Pơn có lúc phải mang theo cơm, nước rồi ở lại luôn trong rừng đến chiều tối mới về.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.