Loét giác mạc

02/10/2008 18:04 GMT+7

Những nguyên nhân Một bạn đọc ở địa chỉ trungnguyen2@... vừa gửi e-mail đến Báo Thanh Niên để hỏi về tình trạng bệnh của anh: "Tôi bị loét giác mạc từ năm 11 tuổi, hay bị tái phát nhiều lần. Cho tôi hỏi, có cách nào chữa trị không, ở trong nước có thay giác mạc được không, chi phí có đắt không...? Mong được tư vấn sớm".

Về trường hợp trên, bác sĩ Trần Hải Yến - Trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt, TP.HCM), cho biết: Viêm loét giác mạc có rất nhiều nguyên nhân như: do thiếu vitamin A (loại này thường gặp ở những trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng); do viêm nhiễm (bởi các vi khuẩn, vi-rút, nấm, amib...); sau chấn thương; do một số bệnh loạn dưỡng giác mạc. Loét tái phát hay xảy ra trong trường hợp nhiễm vi-rút, hoặc loạn dưỡng giác mạc. Đa số các trường hợp viêm loét giác mạc sau khi điều trị ổn đều để lại sẹo trên giác mạc. Thường sau mỗi lần viêm loét tái phát, sẹo giác mạc sẽ dày hơn và thị lực giảm nhiều hơn so với lần trước. Sẹo giác mạc khiến cho mắt rất dễ nhạy cảm với môi trường, dễ bị kích thích và viêm nhiễm. Bệnh nhân có tiền sử viêm loét giác mạc cần được khám mắt định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc lâu hơn tùy theo mức độ ổn định của sẹo giác mạc.

Có thay giác mạc được?

Bác sĩ Trần Hải Yến cho biết: Thay giác mạc, hay còn được gọi là ghép giác mạc, tức là dùng giác mạc hiến tặng của người vừa chết thay vào giác mạc đã bị hỏng của bệnh nhân. Ghép giác mạc có thể được thực hiện khi tổn thương đang ở giai đoạn hoạt tính (ghép điều trị, ghép nóng) nhằm giới hạn sự lan tỏa của ổ loét về chiều sâu cũng như chiều rộng hoặc để bảo tồn, giữ mắt khi loét nặng gây nhuyễn mô đe dọa thủng nhãn cầu. Phần lớn các trường hợp ghép giác mạc được thực hiện khi sẹo đã ổn định (ghép quang học) nhằm loại bỏ vùng mô sẹo, bị đục, thay thế bằng mô lành, trong suốt để phục hồi thị lực cho bệnh nhân. Ở trong nước, phẫu thuật ghép giác mạc đã thực hiện từ nhiều năm qua tại các trung tâm nhãn khoa chuyên sâu.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của cả bác sĩ và người bệnh lâu nay đó là, nguồn giác mạc hiến tặng trong nước rất hiếm. Lâu nay, hầu hết các giác mạc có được là do các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện của nước ngoài tặng, nhưng với số lượng rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh cần ghép giác mạc. Vì vậy, bệnh nhân có chỉ định ghép giác mạc phải đăng ký và chờ đợi rất lâu mới có được giác mạc để ghép.

Bác sĩ Hải Yến cho biết thêm: "Vừa qua Bệnh viện Mắt Trung ương ở Hà Nội đã thực hiện dự án xây dựng Ngân hàng Mắt, đã có những tín hiệu vui ban đầu về việc hiến tặng mắt trong nước. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài và gian nan, cần sự chung tay của toàn xã hội để mang lại ánh sáng cho người bệnh. Riêng tại Bệnh viện Mắt (TP.HCM), phí phẫu thuật ghép giác mạc là khoảng 2 triệu đồng, chưa bao gồm tiền thuốc và chi phí liên quan đến giác mạc".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.