Lời cảm ơn muộn màng

30/12/2015 07:28 GMT+7

Cho tôi kể một câu chuyện nhỏ: Do sai lầm trong cải tạo tư sản công thương nghiệp, sau năm 1975, gia đình tôi điêu đứng vì bị tịch thu tài sản hết sạch.

Cho tôi kể một câu chuyện nhỏ: Do sai lầm trong cải tạo tư sản công thương nghiệp, sau năm 1975, gia đình tôi điêu đứng vì bị tịch thu tài sản hết sạch.

Nhà thơ Lê Minh Quốc  - Ảnh: Diệp Đức MinhNhà thơ Lê Minh Quốc - Ảnh: Diệp Đức Minh
Khi đã chính thức bước chân vào làng báo, tôi tiếp tục nộp đơn cho nhiều cơ quan, dù trước đó gia đình tôi đã kêu cứu nhiều nơi nhưng không thành công. Ỷ có quen biết với Tổng biên tập Nguyễn Công Khế nên tôi đã tìm đến anh trao xấp hồ sơ dày cộm. Sau khi hỏi han tận tình, anh ghi thẳng ngoài bì thư: “Chuyển Ban Công tác bạn đọc. Lưu ý”.
Nói “ỷ có quen biết” vì trước năm 1975, ba tôi, cậu tôi và các anh Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh đã quen biết nhau từ lúc cùng ở chung trong tù Đà Nẵng. Vì lẽ đó, anh ít nhiều dành thiện cảm cho gia đình đồng đội thời kháng chiến cũng là điều dễ hiểu. Căn cứ vào hồ sơ, Báo Thanh Niên đã chính thức lên tiếng và rõ ràng, uy tín của tờ báo đã khiến sự việc trở nên có chiều hướng tích cực hơn. Trên Báo Thanh Niên số ra ngày 3.1.1993 có đăng bài viết Lời cảm ơn muộn màng của tôi. Xin chép lại nguyên văn để thấy cái tình, cái ơn của gia đình một độc giả dành cho tờ báo đã góp phần tích cực nhất đem lại sự công bằng như nó vốn có. Bài báo như sau:
Buổi trưa. Tôi đến tòa soạn Báo Thanh Niên với tâm trạng thấp thỏm. Trên tay là bản thảo bài viết về chuyện gia đình tôi. Một nỗi oan ức cần được báo chí lên tiếng bênh vực. Đó là chuyện một gia đình từng là cơ sở cách mạng nội thành, ba tôi là đảng viên từng bị đày ra Côn Đảo và những nhà lao ở Đà Nẵng. Thế nhưng, đến ngày sau giải phóng lại bị quy là gia đình tư sản. Bị cải tạo công thương nghiệp. Bị tịch thu toàn bộ tài sản. Nỗi oan ức đó, ba tôi làm nhiều đơn khiếu nại, nhưng không nơi nào giải quyết. Đến ngày ba tôi từ trần, tôi quyết định viết lại sự việc này nhờ Báo Thanh Niên bênh vực.
“Buổi trưa hôm đó, tại nhà ăn của Báo Thanh Niên, người tiếp tôi là nhạc sĩ Phan Bá Chức. Vừa ăn cơm trưa, anh vừa đọc bài viết về hồ sơ của vụ việc mà tôi đính kèm theo. Anh nói: “Vụ việc này tôi có nghe anh Nguyễn Công Khế nói qua rồi. Bây giờ ông về đi!”. Tôi trở về nhà bằng tâm trạng âu lo, liệu chừng Báo Thanh Niên can thiệp được bao nhiêu phần trăm? Một tuần lễ sau bài báo của tôi được đăng lên. Bài báo này đã làm tôi sung sướng muốn khóc, ít ra ở nơi chín suối ba tôi cũng toại nguyện, vì nỗi oan ức của mình đã được dư luận báo chí giải tỏa phần nào.
Cứ tưởng rằng, bài báo đăng lên là chìm vào quên lãng. Nhưng không! Ngay tại TP.Đà Nẵng, sau ngày bài báo ấy in lên, mẹ tôi đã nhận được thư của ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mời lên trả lại một phần tài sản đã tịch thu! Chuyện ấy cứ ngỡ là trong mơ, là “cổ tích của thế kỷ”. Mười mấy năm trôi qua, ba tôi đã làm biết bao nhiêu đơn, gõ cửa biết bao nhiêu chỗ, nhưng nào có ai giải quyết đâu! Vậy mà, Báo Thanh Niên vừa lên tiếng thì đã vọng lại những tín hiệu đáng mừng. Những tín hiệu của sự công bằng xã hội mà Báo Thanh Niên đã góp phần tích cực.
Sau này, anh Phan Bá Chức có viết thành mẩu tin ngắn, biểu dương sự tiếp thu kịp thời của tỉnh QN-ĐN về vấn đề mà bài báo đã nêu. Điều đó, đối với gia đình tôi là một kỷ niệm, hơn thế nữa, một ơn nghĩa khó quên đối với Báo Thanh Niên. Mẹ tôi, vốn là người nông dân quê mùa, lam lũ làm ăn, một chữ cắn đôi cũng không biết đọc, biết viết. Thế mà, sau khi Báo Thanh Niên đã đem lại những kết quả như thế, thì bà cũng ứng khẩu mà đọc câu nôm na:
Rằng cám ơn Báo Thanh Niên
Bài đăng lên. Kết quả liền. Quý thay!
Vàng được trả lại mấy “cây”
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.
Dù nôm na nhưng xuất phát tự đáy lòng của một người mẹ. Xin hãy cho tôi được xem đấy là những lời cám ơn đối với Báo Thanh Niên. Dù bây giờ, tôi mới nói ra điều đó. Dẫu có muộn màng...”.
Đối với tôi, nghĩa tình với Báo Thanh Niên còn nhiều...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.