Mổ xẻ nguyên nhân tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng đều cho rằng trên 80% các vụ tai nạn nghiêm trọng do lỗi người điều khiển phương tiện. Câu hỏi đặt ra là tại sao lỗi do người điều khiển phương tiện lại cao như vậy?
Bản thân các Bộ có trách nhiệm liên đới như Bộ GTVT, Bộ Công an cũng thừa nhận có những lỏng lẻo nhất định trong việc thực thi các chính sách, giải pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) từ chính những người thực thi công vụ. Tuy nhiên, chưa có một thống kê chính thức nào về việc có bao nhiêu phần trăm TNGT do lỗi từ lỗ hổng luật pháp? Bao nhiêu phần trăm do người thực thi công vụ chưa thực hiện nghiêm và đúng chức trách?
Đơn cử như câu chuyện GPLX đang được cấp tràn lan cho cả người không đủ sức khỏe, thậm chí nghiện hút. Tại cuộc tọa đàm về giảm thiểu TNGT do website Chính phủ tổ chức sáng 2.7, ông Trần Sơn Hà, Cục phó Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), cho biết từng hỏi cung một trường hợp lái xe khách gây TNGT nhưng mù chữ, phải điểm chỉ khi lấy lời khai. Vụ đổ xe ở núi Giộc, Nghệ An, lái xe chỉ có... một chân. Hay vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok, lái xe gây vi phạm (đã chết trong vụ tai nạn) bị lĩnh án 8 năm tù vì ma túy và trong quá trình thụ án vẫn được đổi GPLX... Những trường hợp trên chỉ được phát hiện sau khi xảy ra tai nạn, còn thực tế có bao nhiêu trường hợp tương tự, không cơ quan nào trả lời được chính xác.
Trách nhiệm cấp GPLX cho những trường hợp như nói trên rõ ràng có lỗi trực tiếp của các trung tâm sát hạch lái xe. Nhưng cũng cần phải nói thêm, thực tế bất kỳ cung đường nào qua địa phương cũng có CSGT lập chốt gác, vậy mà vẫn bỏ lọt xe quá tải, chạy quá tốc độ, xe nhồi nhét khách... Đề cập nguyên nhân, ông Trần Sơn Hà cho rằng do lực lượng mỏng nên “kiểm soát không xuể”, dù vẫn khẳng định những tuyến đường chính “không thể tồn tại tình trạng như thế” và cán bộ nào bị phát hiện sẽ bị kỷ luật. Cũng theo ông Hà, trong 6 tháng đầu năm, cảnh sát đã lập biên bản trên 400 lái xe, chủ hàng đưa tiền mãi lộ và xử lý trên 20 trường hợp CSGT vi phạm quy trình, nhận tiền tiêu cực. Chưa bàn tới việc con số 20 trường hợp này đã phản ánh hết thực tế chưa, nhưng những lần “bỏ lọt” lỗi của CSGT không chỉ gây bức xúc mà còn tạo nên một “văn hóa giao thông” xấu, dẫn đến ý thức lờn luật của giới lái xe.
Một câu chuyện khác: Bộ GTVT mất gần 1 năm chuẩn bị cho quy định bắt buộc 48.000 ô tô cả nước phải lắp hộp đen để kiểm soát thông tin nhằm hạn chế TNGT. Nhưng mốc xử phạt từ 1.7 đã buộc phải di dời sang 1.8, do mới chỉ kiểm soát được thông tin của 20.000 phương tiện. Chính tình trạng “ngập ngừng”, thiếu kiên quyết khi áp luật vào cuộc sống đã làm tăng thêm tâm lý lờn luật của giới lái xe, chủ xe.
Nói như ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, muốn thay đổi ý thức người tham gia giao thông cần phải có quá trình. Quá trình này ngắn hay dài phụ thuộc không chỉ vào việc tuyên truyền giáo dục, mà quan trọng hơn, chính các cơ quan có trách nhiệm phải làm gương, thực hiện đúng chức trách, để những quy định đẻ ra không chết yểu hay bị tiêu cực hóa khi đi vào cuộc sống, khiến người dân mất lòng tin vào việc thực thi luật.
Mai Hà
Bình luận (0)