'Lối đi' nào cho những người viết văn trẻ?

03/11/2015 17:01 GMT+7

(TNO) TP.HCM hiện là nơi có nhiều người viết văn nhất cả nước, tuy nhiên việc tập hợp, gắn kết các bạn trẻ lại không hề đơn giản. Mỗi người mỗi công việc hoặc do trở ngại một số thủ tục hành chính, họ phải tự tìm 'lối đi' cho riêng mình để thỏa niềm đam mê văn chương nặng nợ...

(TNO) TP.HCM hiện là nơi có nhiều người viết văn nhất cả nước, tuy nhiên việc tập hợp, gắn kết các bạn trẻ lại không hề đơn giản. Mỗi người mỗi công việc hoặc do trở ngại một số thủ tục hành chính, họ phải tự tìm 'lối đi' cho riêng mình để thỏa niềm đam mê văn chương nặng nợ...

Tự thân vận động
Mặc dù đang sinh sống và công tác đã lâu ở TP.HCM nhưng nhà thơ trẻ Lê Hòa (thành viên Câu lạc bộ Lục bát Sài Gòn) lại phải về tận Đà Lạt nơi anh là hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng để ra mắt tập thơ Hát ru bầu trời do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Lê Hòa cũng từng đến xin hồ sơ để làm thủ tục gia nhập Hội Nhà văn TP.HCM nhưng do chưa có KT3 và hộ khẩu nên đành… thua. Mặc dù nhiều bạn văn của anh ở TP.HCM đã nhiệt tình ký xác nhận và ủng hộ nhưng thủ tục vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhà thơ trẻ Lê Hòa có nhiều tác phẩm đang được độc giả yêu thích
Nhà thơ Lê Hòa tâm sự: "Cơm áo không đùa với khách thơ, quả nhiên đến bây giờ câu nói ấy vẫn đang vận vào những người chỉ đơn thuần muốn sống bằng văn chương. Với trở lực "áo cơm ghì sát đất", người viết trẻ buộc phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh hòng tiếp tục nuôi dưỡng lửa đam mê. Nhà thơ ở nước ta thường… nghèo và chưa đủ tầm chuyên nghiệp để nuôi sống gia đình, còn muốn phát hành sách cũng không có nơi nào dám đứng ra "cưu mang" khiến dễ nản lòng. Còn người viết trẻ như chúng tôi chân ướt chân ráo vào làng văn mà phải bỏ ra vài chục triệu tự in sách, tự phát hành và cầm chắc việc ế ẩm, lỗ vốn và không được ai quan tâm. Chỉ một vài trường hợp may mắn bán được sách có thể dư giả chút ít thì so với mặt bằng chung cũng chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên đã mang lấy nghiệp vào thân thì đành chịu”.
Cũng như Lê Hòa, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa là một hiện tượng lạ hiện nay trên văn đàn. Đam mê làm thơ từ nhỏ nhưng phải đến khi ra trường về làm ở một… ngân hàng lớn, anh mới có điều kiện ổn định để an tâm sống chết với thơ. Tự in thơ và phát hành nhưng tập Con đường tự trôi của anh đã được công chúng đón nhận. Nguyễn Đăng Khoa kể: “Khi chở tập thơ về chất từng chồng cao trong phòng, tôi không biết khi nào mới tiêu thụ hết. Vậy mà bạn bè thương, người này giới thiệu người kia, tôi rao bán trên mạng xã hội và tự chạy xe máy đi giao. Tôi đang chuẩn bị "hậu kỳ" cho tập thơ thứ hai, cũng bằng hình thức tự phát hành...”.
Tác giả Con đường tự trôi Nguyễn Đăng Khoa
Cách đây một năm, nhà văn trẻ Anh Khang từng gây xôn xao dư luận với tác phẩm Buồn làm sao buông (chạm mốc phát hành 40.000 cuốn, xếp thứ 3) và cuốn Ngày trôi về phía cũ (xếp thứ 10) trong thể loại sách văn học được bán chạy nhất ở Hội sách TP.HCM năm 2014. Anh ghi tên mình vào kỷ lục “Nhà văn trẻ có số lượng bản in nhiều nhất”. Khi ra mắt cuốn sách tứ 4 Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn… và em, Anh Khang còn tổ chức giao lưu cùng các ca sĩ khách mời: Jun Phạm (nhóm 365), Quốc Thiên, Hamlet Trương, Iris Cao… thu hút hàng trăm người tham dự.
Vì khó có thu nhập cao mà các cây viết trẻ: Phùng Hiệu, Trần Hoàng Nhân, Trần Lê Sơn Ý, Lê Thiếu Nhơn, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Phong Việt, Tiểu Quyên, Hòa Bình, Phạm Phương Lan… phải chọn nhiều nghề tay trái để kiếm sống nuôi mộng văn chương.
Nhà thơ Anh Khang có sách bán chạy nhất năm 2014 trong vòng vây độc giả
Đừng để những cây viết trẻ "chết yểu"
Ngày 27.8 vừa qua Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn TP.HCM) đã được thành lập, đề ra nhiều nội dung nóng nhằm tập hợp các cây bút trẻ. Tuy nhiên, theo chủ nhiệm Trần Nhã Thụy: “Các sân chơi chính thống dành cho sáng tác trẻ hiện nay vẫn còn quá ít để họ có dịp thể hiện. Nhiều chương trình muốn tổ chức đang cần có kinh phí mà bây giờ vận động rất khó. Chúng tôi vẫn đang cố gắng mời gọi các bạn viết văn trẻ đến sinh hoạt nhưng định kiến giữa người viết là hội viên Hội Nhà văn và không hội viên vẫn còn nặng nề. Đó là những lực cản sắp tới cần phải tháo bỏ…”.
Còn theo nhà thơ Trương Nam Hương: “Tiếp xúc với các bạn viết văn trẻ bây giờ tôi thấy rất thích. Họ luôn năng động, nhiệt huyết và có tấm lòng. Vì vậy, tổ chức Hội Nhà văn cần nâng rộng vòng tay nâng đỡ cho những đứa con tinh thần để họ chỉ vô tư sáng tác và cống hiến”.
Nhờ kết hợp nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc nên những buổi giới thiệu tác phẩm mới của cây bút trẻ An Khang luôn thu hút rất đông độc giả đến ủng hộ
Tuy nhiên, nhà thơ Lê Hòa băn khoăn: “Hiện tại vẫn còn nhiều người viết có "hồn vía" văn chương, chỉ có điều họ chưa dám sống trọn vẹn một đam mê với nghề. Ban Nhà văn trẻ phải khơi bùng ngọn lửa đam mê đó. Nhất là khi chúng ta đang sống dưới muôn vàn áp lực và biến động không ngừng của cuộc sống. Hơn bao giờ hết người viết trẻ cần ở ban, hội một điểm tựa để lấy lại thăng bằng và viết. Thăng bằng ở đây có nghĩa là một định hướng đúng đắn về thẩm mỹ văn học một cách chuyên nghiệp, đừng để những cây viết trẻ… chết yểu". 
“Mong mỏi lớn nhất của tôi là Hội Nhà văn nên đẩy mạnh hơn nữa những công tác truyền thông và ủy lạo sáng tác trẻ, thêm nhiều sự kiện hơn nữa và những cuộc thi tạo đầu ra cho sản phẩm văn chương và dùng uy tín của Hội Nhà văn để tiếp thị sản phẩm văn chương đến với người đọc. Bởi lẽ, văn chương sẽ cô đơn lắm nếu thiếu người chia sẻ”,  cây bút trẻ Nguyễn Đăng Khoa trăn trở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.