Lỗi dịch trong cuốn Câu chuyện nghệ thuật

Ngọc An
Ngọc An
09/01/2021 05:46 GMT+7

Vừa qua, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã chia sẻ ý kiến của ông về những chi tiết mà ông cho là sai sót dịch thuật trong cuốn sách Câu chuyện nghệ thuật (Lưu Bích Ngọc dịch, Công ty sách Omega Plus và Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành) chuyển ngữ tiếng Việt từ cuốn The Story of Art của E.H.Gombrich.

Theo thông tin từ đơn vị thực hiện, sách được phát hành vào tháng 10.2020 với số lượng 5.000 bản. Đây là bản dịch dựa trên ấn bản mới nhất (lần thứ 16) và được dàn số trang tương đương bản gốc tiếng Anh của Nhà xuất bản (NXB) Phaidon nhằm đảm bảo tương ứng giữa nội dung cũng như hình ảnh minh họa.
Cuốn The Story of Art in lần đầu năm 1950, được nhìn nhận là một trong những tác phẩm kinh điển về lịch sử nghệ thuật của nhà sử học nghệ thuật gốc Áo E.H.Gombrich, và cũng là một trong những cuốn sách nhập môn nghệ thuật thị giác dễ tiếp cận nhất dành cho mọi đối tượng độc giả.
Khi mới chỉ đọc vài trang trong cuốn Câu chuyện nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã nhận thấy điểm sai sót về dịch thuật. “The Story of Art là một cuốn sách dễ hiểu, dễ dịch, vì E.H.Gombrich nổi tiếng với lối viết phổ thông khi diễn giải nghệ thuật cho đại chúng đọc. Tuy nhiên, sau khi xem thử bản dịch tiếng Việt trong một trang bất kỳ, trang 31, tôi đã thấy ở đó một lô lỗi”, ông Đăng cho biết, và chỉ ra một số lỗi theo ông là trầm trọng về dịch thuật ở trang sách này. Chẳng hạn, “working man” (danh từ) là “người lao động”, hay “người cần lao”, chứ không phải “khắc khổ” (tính từ) như trong bản dịch; “publican” ở đây là “nhân viên thu thuế”, công việc của Thánh Matthew trước khi ông đi theo Chúa Jesus (từ “publican” có gốc Latin là “publicum” tức “lợi tức công cộng”) nhưng bản dịch lại viết “một chủ quán rượu”. Từ “publican” với nghĩa liên quan đến “quán rượu” được dùng chủ yếu ở Anh để chỉ những người sở hữu hoặc quản lý nhà hàng, quán rượu... và không hề phù hợp với văn cảnh trong sách.
Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng còn chỉ ra thêm những lỗi khác ở phần giới thiệu, dù theo ông, ngôn ngữ được viết trong bản gốc là “rất thông thường, không hề có những khái niệm hay thuật ngữ phức tạp”. Chẳng hạn cụm từ “...roughed out the forms of a bison...” cần được dịch thành “... vẽ phác những hình thù một con bò rừng...”, nhưng bản dịch lại bỏ mất từ “những hình thù”.
Trả lời Thanh Niên, đại diện truyền thông của Công ty sách Omega Plus, đơn vị thực hiện cuốn sách, cho biết phía công ty đã trao đổi với họa sĩ Nguyễn Đình Đăng. Bên cạnh một số điểm họa sĩ chỉ ra thuộc bản khác với ấn bản Omega Plus mua bản quyền xuất bản (do cuốn sách của E.H.Gombrich được tái bản nhiều lần, NXB Phaidon đều có những cập nhật, điều chỉnh), một số lỗi đã được Omega Plus ghi nhận, cảm ơn và sửa theo góp ý của họa sĩ. Vị đại diện này cũng cho biết với những chỗ về lựa chọn/văn phong, quan điểm dịch, Omega Plus tôn trọng quan điểm người dịch và giữ lại.
Sau 2 tháng phát hành chính thức, cuốn sách Câu chuyện nghệ thuật được tái bản và sẽ ra mắt vào tháng 1.2021. Theo đại diện truyền thông của Omega Plus, trong lần tái bản này, cuốn sách cập nhật các điểm điều chỉnh trên cơ sở những góp ý hợp lý từ bạn đọc, cũng như giới chuyên môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.