(TNO) Một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản đang gia tăng mạnh mẽ trong nước để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu của mình, theo tin tức từ nhật báo Los Angeles Times (Mỹ) ngày 18.9.
Một cửa hàng tạp hóa tại tỉnh Quảng Đông đã cho dựng một mô hình tuýp kem đánh răng lớn với nhãn hiệu “Trung Quốc” và có hình dạng giống một khẩu đại bác.
Thân tuýp kem có in lá cờ Trung Quốc màu đỏ với dòng chữ “Quần đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc”.
Một vài người tham gia biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh hôm 18.9 thậm chí còn ra sức quảng bá cho các hiệu thức ăn, xe hơi, đồ gia dụng và cả kem dưỡng da nội địa.
Một người biểu tình giơ một áp phích in dòng chữ quảng cáo cho một hiệu kem dưỡng da của Trung Quốc: “Kem dưỡng da Dabao rất tốt cho bạn nếu bạn cần giữ ẩm cho da. Không cần phải dùng mỹ phẩm Nhật Bản”.
Nhiều tờ báo lớn tại Trung Quốc đã cho đăng tải các bài bình luận kêu gọi chính phủ nên cấm vận Nhật Bản, theo Los Angeles Times.
|
Căng thẳng từ việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang đe dọa quan hệ thương mại 2 nước, vốn có giá trị vào khoảng 350 tỉ USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật và đã nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp trị giá khoảng 12 tỉ USD trong năm 2011 từ xứ sở hoa anh đào, theo số liệu thống kê của chính phủ Nhật Bản.
Hằng năm, có hơn 3 triệu du khách Nhật đến Trung Quốc.
Hiện ngành du lịch cả 2 nước chịu thiệt hại nặng nề nhất từ các cuộc biểu tình. Các hãng hàng không Nhật Bản cho biết 18.000 vé của các chuyến bay qua lại giữa 2 nước đã bị hủy trong những ngày gần đây.
Trung Quốc mới đây cũng đã rút vận động viên nước mình ra khỏi giải đấu cầu lông Nhật Bản mở rộng tại Tokyo, AFP đưa tin hôm 18.9.
Ông Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường Đại học Renmin (Bắc Kinh), nhận định việc đập phá tài sản của doanh nghiệp Nhật và lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật đang làm tình hình thêm xấu.
“Các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đang cảm thấy rất bất an. Giới doanh nghiệp Nhật tại Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do người tiêu dùng quyết định ngưng mua hàng Nhật”, ông Yinhong cho hay.
Chuyên gia này cũng cảnh báo bạo động bùng phát có thể gây hại cho chính phủ nước này.
Chuyển hướng sang Đông Nam Á
Ông Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản tại Tokyo, cho rằng làn sóng bài Nhật tăng mạnh ở Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến các tập đoàn Nhật chuyển hướng đầu tư sang Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi.
Các tập đoàn lớn của Nhật như Nissan, Honda, Toyota, Mazda và Sony đã tạm thời đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc.
Toàn bộ các nhà hàng phục vụ món Nhật tại Trung Quốc, ngay cả những nhà hàng do người Trung Quốc làm chủ, cũng đã đóng cửa do lo sợ bị người biểu tình tấn công.
Một chuyên gia kinh tế nói với Los Angeles Times rằng sẽ có một “đợt sụt giảm mạnh trong ngắn hạn” về thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới.
Làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc khiến giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn Nhật như Nissan, Honda và hãng bán lẻ Fast Retailing, giảm mạnh.
Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc có quan hệ làm ăn với các tập đoàn trên cũng giảm theo.
Hoàng Uy
>> Hàng ngàn người Trung Quốc biểu tình chống Nhật
>> 11 tàu công vụ Trung Quốc đến Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc cam kết bảo vệ 2.000 tàu cá ở Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ nhất trí bảo vệ Nhật tại Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc sẵn sàng đụng độ tại Senkaku/Điếu Ngư
Bình luận (0)