Hiện trạng
Buổi sáng, tầm từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30, các tuyến đường chính dẫn vào thành phố như đường 23 Tháng 10, đường Lê Hồng Phong, đường 2 Tháng 4, đặc biệt là các nút giao thông như điểm cắt đường sắt trên đường 23 Tháng 10, Mả Vòng, vòng xoay Nguyễn Trãi - Lê Thánh Tôn trước Nhà thờ Đá, nhiều điểm cắt trên đường Trần Phú… các phương tiện giao thông chỉ nhích từng chút một. Riêng các ngày lễ được nghỉ trong thời gian dài, khách du lịch ùn ùn đổ về thì hầu như tất cả các tuyến đường đều xảy ra tình trạng ùn ứ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, Nha Trang hiện nay đã trở thành đô thị sôi động bậc nhất khu vực Nam Trung bộ. Các dự án bất động sản, các khu resort, khu đô thị, nhà chung cư, căn hộ du lịch mọc lên như nấm sau mưa. Kèm theo các dự án này là lượng người phục vụ cũng nhập cư vào Nha Trang với số lượng ngày càng đông. Đặc biệt, khách du lịch đến từ các nước Đông Á, nhất là khách Trung Quốc ùn ùn đổ về Nha Trang ngày càng nhiều. Xe du lịch loại trên 50 chỗ ngồi phục vụ du khách, chạy trên phố như mắc cửi. Chỉ cần một chiếc xe loại lớn “quay đầu xe” trên đường Trần Phú là y như rằng, các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến phố dài hàng trăm mét đều “đứng bánh” hết. Nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa là các nhà quản lý đã không tiên liệu được sự phát triển nhanh chóng của thành phố du lịch này nên hệ thống đường sá trong thành phố vẫn không được cải thiện nhiều. Ngoài tuyến đường Phạm Văn Đồng ở phía bắc thành phố và Nguyễn Tất Thành dẫn vào sân bay Cam Ranh là được đầu tư bài bản, các tuyến đường ở cửa ngõ phía tây Nha Trang thì vẫn như cũ. Trong nội đô, đường sá vốn dĩ chật hẹp, nay thêm lượng người rất đông cộng với lượng xe máy,
ô tô tăng vọt, các nhà hàng, người buôn bán nhỏ lẻ chiếm hết cả vỉa hè đã khiến cho thành phố trở nên quá tải. Điều này buộc các nhà quản lý tỉnh Khánh Hòa phải tìm lời giải cho nạn ùn ứ này, nếu không sẽ mất đi cơ hội bứt phá vốn dĩ không phải lúc nào cũng đến với mình.
Đi tìm lời giải
Trước tình trạng kẹt xe cục bộ như đã nói ở trên, tỉnh Khánh Hòa và TP.Nha Trang đã tìm nhiều giải pháp từ vài năm nay. Để giải quyết tình trạng dồn ứ này một cách căn cơ, tỉnh Khánh Hòa đã có kế hoạch tương đối “dài hơi” như dịch chuyển dần khu trung tâm hành chính về phía tây, nơi mật độ dân cư thưa thớt và quỹ đất còn khá nhiều. Theo đó, tất cả các cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển về khu trung tâm hành chính mới trên một diện tích 126 ha thuộc xã Vĩnh Thái, nằm về phía tây nam Nha Trang. Cùng với việc dịch chuyển này, hàng loạt các tuyến đường đấu nối với trung tâm hành chính sẽ được hình thành hoặc mở rộng. Tiêu biểu là đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng, nối trung tâm Nha Trang với đường đi Đà Lạt, giảm tải cho đường 23 Tháng 10. Một trục đường khác, cũng khá quy mô từ xã Phước Đồng, đoạn cắt với đường Nguyễn Tất Thành dẫn vào sân bay Cam Ranh sẽ chạy dọc theo rìa phía tây thành phố, cắt qua Cao Bá Quát - Cầu Lùng, nối về đường 23 Tháng 10. Tại điểm gặp này sẽ là nút giao thông quan trọng khi dự án cầu vượt đường sắt tại đây được triển khai. Các tuyến đường vành đai này sẽ góp phần giãn mật độ dân số từ nội thị ra ngoại ô bằng hàng loạt dự án bất động sản đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên cần một thời gian dài và nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng, trong khi đó tình trạng kẹt xe thì vẫn diễn ra hằng ngày, buộc các nhà quản lý phải tìm giải pháp “phủi nóng”. Bắt đầu từ tháng 10.2016, hàng loạt tuyến đường một chiều được hình thành tại Nha Trang. Riêng đường Trần Phú, nơi diễn ra tình trạng kẹt xe cục bộ, hàng loạt quy định mới cho việc đậu đỗ, đón trả khách du lịch, cấm quay đầu xe ở nhiều nút giao thông, mở một tuyến đường mới từ hẻm 86 Trần Phú xuyên qua sân bay cũ, hình thành bãi đậu xe tại sân bay này… Tình trạng kẹt xe trên đường Trần Phú đã giảm đáng kể. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế mà thôi.
Bình luận (0)