Thấy gì từ tỷ lệ hủy?
Kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính công bố vừa qua cho thấy, tỷ lệ khách hàng hủy hợp đồng bảo hiểm mua qua kênh ngân hàng chỉ sau 1 năm tham gia khá cao, ở mức 2 con số.
Từ câu chuyện thanh tra này, một chuyên gia bảo hiểm lâu năm khi trao đổi với Thanh Niên nhấn mạnh: “Điều đó có nghĩa là anh tư vấn chưa tốt hoặc ép khách hàng bằng cách thức gì đó, không xuất phát từ nhu cầu thực sự của khách hàng”.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phân tích, trên thế giới, bancass đã có khoảng gần 40 năm hình thành và phát triển, ở Việt Nam là khoảng trên dưới 10 năm. Bên cạnh những tiềm năng phát triển, sự non trẻ của mô hình bancass tại thị trường Việt Nam cũng tiềm tàng bất cập như diễn biến trên thị trường thời gian qua.
Góc nhìn cá nhân, vị này cho rằng những bất cập bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chính: cách phối hợp giữa ngân hàng - doanh nghiệp bảo hiểm trong triển khai mô hình; suy nghĩ và thói quen truyền thống của khách hàng và đạo đức của tư vấn viên.
“Đạo đức của tư vấn viên có vai trò vô cùng quan trọng. Khách hàng thường hiểu rằng mình đang mua sản phẩm ngân hàng với yếu tố tích lũy đầu tư. Lợi dụng điều này, rất nhiều tư vấn viên ngân hàng đã tư vấn theo hướng đó và bỏ qua yếu tố bảo vệ, điều quan trọng nhất và tạo nên giá trị của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Chính vấn đề này khiến khách hàng mất rất nhiều lòng tin vào mô hình bancass”, vị này nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chỉ ra nguyên nhân cụ thể những lùm xùm liên quan tới mô hình bancass thời gian qua: đó là do chất lượng tư vấn của một số nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm chưa tốt khi không hiểu rõ sản phẩm. Hoặc vì một vài lợi ích riêng mà một số đại lý bảo hiểm chỉ nhấn mạnh đến quyền lợi, qua loa về nghĩa vụ, thậm chí bỏ qua.
Sản phẩm không có lỗi, cần xử lý nghiêm vi phạm
Bất cập nảy sinh, có nên cấm mô hình bancass tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này của Thanh Niên, luật sư Hà Huy Phong (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco, bày tỏ quan điểm cấm là điều không cần thiết, không phù hợp.
Nhấn mạnh các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư không có lỗi và việc bán chéo đó hoàn toàn là một nhu cầu, thành tựu của nền kinh tế thị trường, ông Phong phân tích những sản phẩm này đòi hỏi cả bên mua, bên môi giới và bên bán phải đạt tới một trình độ nhất định; có kiến thức, kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư. Sự can thiệp của Nhà nước thông qua các công cụ quản lý là hết sức cần thiết.
“Trước mắt, cần phải xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp quản lý hữu hiệu để các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư, các hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng không bị biến tướng”, ông Phong nói.
Chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia lâu năm trong ngành bảo hiểm cho rằng, khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, rõ ràng có khâu thẩm định gồm thẩm định về rủi ro và thẩm định về năng lực tài chính của người tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm thông thường tin tưởng vào hồ sơ mà phía ngân hàng gửi cho. Trong đó có giấy yêu cầu bảo hiểm, những thông tin kèm theo mà người tham gia bảo hiểm kê khai vào. Trong nhiều trường hợp, những nội dung đó lại là do chính nhân viên ngân hàng tư vấn thay mặt khách làm thay.
“Doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ vào những cái đó để phát hành hợp đồng. Sau này xảy ra chuyện rồi, báo chí mới đăng trường hợp người này, người kia về hưu thu nhập rất thấp mà sao vẫn mua được bảo hiểm…”, vị này nói.
Thêm nữa, khi phát hiện sai phạm, cơ chế phối hợp để xử lý, kỷ luật nhân viên tổ chức tín dụng làm chưa đúng quy trình, tư vấn sai về hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp cũng rất khó thực hiện một cách quyết liệt.
Cần cơ chế kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2
Bên cạnh các giải pháp như thanh kiểm tra, xử lý rốt ráo các sai phạm, để giải quyết triệt để lùm xùm trong bán chéo bảo hiểm, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ, hiệp hội đã nhiều lần đề xuất nên có quy định về cơ chế kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2.
Nếu trường hợp tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng ở năm thứ 2 cao, Nhà nước có thể có cơ chế hạn chế ngân hàng đó bán bảo hiểm nhân thọ; ví dụ không cho tăng trưởng bán bảo hiểm nhân thọ nữa để ngân hàng quay lại sắp xếp, giải quyết các bất cập. Thậm chí, nếu trong 1 - 2 năm, ngân hàng vẫn không khắc phục được thì có những giải pháp mạnh tay hơn như tạm dừng bán, thậm chí cấm không cho tiếp tục bán bảo hiểm nhân thọ.
Về phần doanh nghiệp bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, khuyến cáo: “Doanh nghiệp nên thảo luận với các ngân hàng đối tác, rà soát, thống nhất cùng đối tác bổ sung những quy định trong các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường khả năng giám sát chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng hoạt động đại lý bảo hiểm; quy định các biện pháp chế tài xử phạt các cá nhân vi phạm và có biện pháp, cơ chế để thực hiện hiệu quả việc phát hiện và xử lý vi phạm”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác cũng nên thảo luận việc đưa tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm năm thứ 2 vào trong thỏa thuận hợp tác như là một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động bancass.
“Ngoài ra, tôi cho rằng, doanh nghiệp cần có hành động xử lý mạnh mẽ hơn khi phát hiện các hành vi gian lận, vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan, cung cấp thông tin, tố giác tới các cơ quan chức năng để tăng tính răn đe”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)