“Lời hứa hão”

14/01/2006 00:44 GMT+7

6 nước "đóng góp" 1/2 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên hành tinh hôm 13/1 đã thông qua kế hoạch cắt giảm 30% lượng khí thải vào năm 2050. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường gọi thẳng thừng đó là một "lời hứa hão".

Ngay khi các đại biểu của nhóm 6 nước Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và  Ấn Độ (AP6) đang tham dự hội nghị ở Sydney (Úc) thì bên ngoài, mọi người biểu tình dữ dội. "Hội nghị về bảo vệ môi trường này là một sự giả mạo vì khách mời toàn những công ty dầu và năng lượng lớn mà chẳng có lấy một đại diện nào từ các cơ quan bảo vệ môi trường", ông C.Faehrmann, Giám đốc Hội đồng bảo vệ thiên nhiên của bang New South Wales (Úc) giận dữ phát biểu. Ông cho rằng khó mà các "đại gia" đang hưởng lợi lớn từ việc buôn bán dầu mỏ lại nhanh chóng chịu làm gì đó để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn chủ yếu do đốt than đá và dầu mỏ mà ra. AP6 thì khẳng định "sẽ không giảm bớt việc sử dụng nhiêu liệu hóa thạch" (như than đá, dầu mỏ). Theo nhóm này, nhiên liệu hóa thạch giúp ích nhiều cho nền kinh tế của họ và điều đó sẽ mãi mãi không thay đổi.

AP6 chiếm 49% tổng sản phẩm nội địa của cả thế giới, tiêu thụ 48% năng lượng toàn cầu, thải ra 48% khí thải toàn cầu và chiếm 45% dân số thế giới.

Mặc dù AP6 tuyên bố mục đích của mình là nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng bản kế hoạch của nhóm lại không đả động gì đến chỉ tiêu giảm khí thải cho từng nước tham gia. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ S.Bodman đã mạnh miệng khẳng định thỏa thuận của AP6 không những giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Trong khi đó, trích dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu do Cục Nông nghiệp và Kinh tế tài nguyên của Úc thực hiện, Ngoại trưởng Úc A.Downer hùng hồn tuyên bố rằng các nỗ lực sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và việc đầu tư vào các công nghệ xanh có thể giảm khí thải nhà kính đến 30% từ bây giờ cho đến năm 2050 tại các nước AP6. Mỹ và Úc cam kết góp 127 triệu USD cho các chương trình giảm khí thải tại 6 nước AP6. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng kế hoạch của AP6 chỉ có thể làm tăng lượng khí thải lên 100% vào năm 2050 mà thôi. Nên nhớ Canberra và Washington không chịu tham gia vào nghị định thư Kyoto, vốn đưa ra chỉ tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cụ thể cho các nước vào năm 2012.

Uyên Phi
(The Australian, CBS, nzherald)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.