Liên tục những ngày qua, nhiều ngân hàng (NH) đưa ra mức lãi vay sát trần huy động 9%. Nhìn qua thì có vẻ như, việc "ứ thanh khoản" khiến NH phải chấp nhận cho vay vốn rẻ nhưng thực chất, họ vẫn có lợi lớn.
Việc hạ trần huy động xuống 9% của NHNN là để thực hiện mục tiêu giảm lãi vay cho các lĩnh vực ưu tiên xuống 12%.
Bởi theo tính toán, chênh lệch đầu ra - đầu vào 3% đủ để các NH có lãi. Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động có nhiều mức tùy kỳ hạn gửi trong đó thấp nhất là 2%. Vì vậy, nếu tính bình quân, lãi suất tiền gửi chỉ rơi vào khoảng 6 - 8% tùy NH. Cộng biên 3%, chúng ta hoàn toàn có trần lãi vay khoảng 9 - 11%/năm chứ không phải mức 12% như NHNN đưa ra. Cũng có nghĩa là, lãi suất ưu đãi của NHNN thực chất vẫn cao và hoàn toàn có thể giảm xuống thấp hơn. Và việc các NH hạ lãi vay sát với trần huy động, vẫn mang lại lợi lớn cho họ.
Vấn đề này không phải mới, cũng đã được đặt ra khi NHNN tiến hành hạ trần huy động những lần trước. Nhưng bất chấp các ý kiến góp ý, NHNN vẫn luôn "chọn" mức trần huy động thay vì lấy lãi suất huy động bình quân để tính trần cho vay các lĩnh vực ưu tiên.
Việc các NH tự hạ lãi suất cho vay thấp hơn "trần" vay mà NHNN đưa ra cũng cho thấy, chính sách đã luôn lạc hậu so với diễn biến thị trường.
Chính sách luôn tạo cơ hội cho các NH kiếm lợi đã diễn ra rất nhiều lần. Đơn cử như mục tiêu lớn nhất là giảm lãi vay nhưng NHNN lại áp trần huy động; tăng trưởng tín dụng âm thì mở rộng dư địa cho vay để các NH có thêm đất "dụng võ"; nợ xấu tăng thì tạo cơ chế giãn nợ, giảm nợ, đảo nợ; nợ xấu cao đến mức rủi ro thì đề xuất mua luôn cả nợ xấu; giảm trần huy động thì mở cơ chế thỏa thuận lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài... Có thể thấy rất rõ, chính sách luôn bảo vệ các NH, bảo vệ nguồn lợi nhuận của họ. Còn cơ chế thật sự, mục tiêu thật sự, có lẽ chỉ mang tính đối phó mà thôi. Nên trong một cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gần đây, có ý kiến chua chát nói rằng, "điểm sáng" nhất trong bức tranh kinh tế những tháng đầu năm cũng như mấy năm nay là lợi nhuận của ngành NH. Sự thật đau lòng này, nghịch lý doanh nghiệp phá sản, khó khăn, sản xuất đình đốn, kinh tế rơi vào giảm phát mà ngân hàng vẫn lợi lớn này là nhờ những chính sách tạo lợi thế cho hệ thống NH của cơ quan quản lý như nói trên.
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn rẻ; tiền vay, gửi giữa các NH vẫn rất cao... Có nghĩa là vốn vẫn không thể chảy vào sản xuất như mục tiêu của Chính phủ? Nếu trước đó, chúng ta vẫn tránh dùng từ "giảm phát" bất chấp doanh nghiệp phá sản hàng loạt và hàng tồn kho tăng cao thì giờ đây, giảm phát đã được phản ánh cụ thể khi CPI tháng 6 đã chính thức giảm sau 39 tháng tăng liên tục. Giảm phát còn khó "trị" hơn lạm phát. Nền kinh tế đang đối mặt với những hệ lụy lớn từ việc điều hành chính sách tiền tệ kiểu này.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)