Có một câu chuyện rất cảm động khiến nhiều người sau khi đọc đã thay đổi cách nhìn về nhạc trẻ. Hồi tháng 8.2008, có một vụ sập lò than tại Quảng Ninh với 7 thợ mỏ thuộc phân xưởng khai thác 7, Xí nghiệp than Khe Tam bị mắc kẹt dưới lớp đất đá phía dưới. Nỗ lực của những người cứu hộ đã đưa họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Tại bệnh viện, họ kể lại 19 giờ ngồi dưới lòng đất, đó là khoảng thời gian kinh hoàng trong cuộc đời 7 thợ mỏ này khi họ nằm giữa ranh giới cái chết và hy vọng sống. Cái chết thì ngay trước mặt, hy vọng sống thì mơ hồ. Họ nằm bên nhau chờ chết và một người cất tiếng hát. Bạn nghĩ họ sẽ hát bài gì vào thời điểm sắp từ giã cõi đời? Chàng thợ trẻ nghêu ngao hát: “Đã khuya rồi vẫn ngồi đếm sao, sương rơi lạnh ướt đôi bờ vai”. Đó là những ca khúc trong bài “Cầu vồng khuyết” của nhạc sĩ Minh Khang, một bài nhạc trẻ khá thịnh hành vào thời điểm đó.
Thư từ, bài vở xin gửi về: vanhoanghethuat@thanhnien.com.vn |
Trong thời khắc cận kề sinh tử có rất nhiều cách để hát một bài đúng hoàn cảnh. Người yêu nhạc Trịnh Công Sơn sẽ nghĩ rằng thích hợp nhất là hát bài “Cát bụi” với những câu: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi... Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”. Người yêu nhạc tiền chiến sẽ nghĩ rằng họ hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong với những câu: “Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây/Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về/Ai nức nở thương, đời châu buông mau/Dương thế bao la sầu”. Nhưng với một người trẻ tuổi và chưa từng trải, họ sẽ khó cảm nhận được thế nào là “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” cũng như sự u uất trong bài “Giọt mưa thu” được Đặng Thế Phong sáng tác trên giường bệnh trong những năm cuối đời. Còn các ca từ của “Cầu vồng khuyết” không thể nhiều lớp nhiều ý như những bài của Trịnh Công Sơn hay có tính ước lệ cao như “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong nhưng nó khiến những người thợ mỏ nằm sâu dưới lòng đất xúc động khi nghĩ rằng họ sẽ chẳng bao giờ được ngắm sao, gặp lại người thân nữa. Ơn trời là họ vẫn sống.
Ví dụ đó cho thấy sức sống của nhạc trẻ. Và còn nhiều bài hát của giới trẻ nữa cũng có lời lẽ và ca từ rất có ý nghĩa. Thế nhưng, nó không được thế hệ đi trước đánh giá cao vì từ ngữ của nó phá cách, không hợp chuẩn với các tình khúc cũ. Những người lớn tuổi đã quá quen thuộc với các ca từ trau chuốt tới đỉnh ví dụ “Cung đàn xưa” của Văn Cao: “Chiều năm xưa gót hài khai hoa, Mắt huyền lưu xuân, Dáng hồng thơm hương”... sẽ khó chấp nhận chuyện những lời ca nhiều khi “huỵch toẹt” của nhạc trẻ.
Khi nhắc đến nhạc tình yêu học trò, nhiều bậc phụ huynh sẽ thắc mắc tại sao không hát các bài dễ thương say đắm lòng người như “Ngày xưa Hoàng thị” hay “Qua mấy ngõ hoa” mà nghe những bài không thuận tai gì cả. Giới trẻ đương nhiên là hiểu ý nghĩa của câu: “Chim non lề đường, nằm im giấu mỏ” hay “Chim vỗ cánh, nắng phai rồi đó” nhưng nhịp sống hối hả khiến họ thích những bài “fast food” với lời dễ hát, dễ nghe hơn.
Cũng đừng lo rằng “fast food” sẽ làm hỏng thị hiếu của một thế hệ. Đừng quá khắt khe và cũng đừng ép giới trẻ phải nghe những gì mà “người lớn” thích. Điều này cũng giống như chúng ta không thể bắt một cậu bé cấp 1 phải đọc những tác phẩm đoạt giải Nobel và lên án chúng đọc truyện tranh. Điều đáng làm hơn là gợi ý cho chúng chọn truyện tranh thích hợp.
Và trong khi chúng ta lên án những ca từ thô thiển, những lời hát “phát khiếp”, chúng ta vẫn thấy hào sảng với những lời hát vui nhộn, chúng ta không thể không cảm động – cảm thông với những “cuồng điên” của nhạc trẻ. Hãy nghe, chẳng hạn như lời ca của bài “Hoài cảm” mà Cung Tiến sáng tác khi 14 tuổi: “Lòng cuồng điên vì nhớ...”. Bài hát đó chẳng tồi chút nào.
* Các ca khúc mới hiện nay tất nhiên không phải bài nào cũng hay.
|
Ý kiến... (Nhân đọc loạt bài về Ca từ trong nhạc trẻ - Xem TNTT> từ 15.1.2010) Cần công bằng với nhạc “thị trường” Nếu một lần thử nghe ca khúc Bille Jean của ông hoàng nhạc pop Michael Jackson có thể bạn sẽ bất ngờ vì ca từ trong ca khúc ấy cũng rất “thị trường”, thậm chí có nhiều chỗ rất gay gắt. Nhưng nó lại được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới và nhận được nhiều lời nhận xét tốt, đứng đầu trên các bảng xếp hạng của Anh và Mỹ (1983). Bài hát này cũng đã làm thay đổi lịch sử âm nhạc và nhận được đĩa bạch kim vào năm 1989. Ở Việt Nam, những ca khúc có lời tương tự như vậy có bị coi là "nhạc thị trường" không? Phải chăng những người nghe loại nhạc này là những người “không biết thưởng thức âm nhạc, dễ dãi, hời hợt”...? Nhưng đối với một món ăn, thông thường người ta sẽ không để ý chi tiết mấy tới việc nó chứa bao nhiêu chất dinh dưỡng mà là nó ăn có ngon miệng hay không. Người nghe sẽ thích những bài hát nào làm họ bùi tai, cảm thấy thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. Dù ca từ có “hời hợt, nhảm nhí hay dung tục”... đi chăng nữa. Điều đó tùy thuộc vào thị hiếu của mỗi người. Thử hỏi tại sao nhạc “thị trường” mọc lên như nấm sau mưa? Người ta thích nghe nhiều như thế? Đơn giản là vì nó nắm bắt được thị hiếu của nhiều người. Vì người ta thích cái gì đơn giản và dễ hiểu. Tuy tuổi thọ không cao nhưng nó đáp ứng được điều đó. Và tất nhiên nó dần chiếm lĩnh, ăn sâu vào thị trường. Viết nhạc cho quần chúng, đặc biệt là tuổi mới lớn mà dùng ngôn ngữ quá siêu hình, quá xa xôi, quá mơ mộng đôi khi xa rời thực tế, mấy ai chịu nghe. Loại nhạc đó xin dành cho những ai “trí thức”. Trên thế giới, ở bất cứ nước nào cũng có nhạc “thị trường”, và có từ rất sớm. Thậm chí ở nơi đó, loại nhạc này còn được vinh danh. Chẳng hạn ở Mỹ, bài It’s hard out here for a pimp (tạm dịch "Làm ma cô rất khó") đã được giải Oscar cho Nhạc phim hay nhất (Hustle & Flow, 2005). Suy cho cùng, nhạc “thị trường” cũng đâu làm hại tới ai. Nó cũng như món khoai tây chiên hay đậu phộng, ăn cho vui miệng, thế thôi. _ Linh (271/163/40 Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM, 09870701...) |
Anh Tú
Bình luận (0)