Lợi nhuận ngân hàng cao hay thấp?

10/08/2012 03:00 GMT+7

Thanh Niên ngày 9.8 đăng bài Ngân hàng tự xử lý được nợ xấu , nhiều bạn đọc tỏ ra hoài nghi về phát biểu của lãnh đạo Ngân hàng (NH) Eximbank cho rằng lợi nhuận của ngành NH không nhiều.

Chức năng điều tiết ở đâu?

Chức năng điều tiết lưu thông tiền tệ, điều hành nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ của NHNN ở đâu khi để thực trạng lãi suất cao như vậy (năm 2011 là từ 20 - 27%/năm), có hợp lý không. Nền kinh tế sẽ đi về đâu nếu phần lớn các doanh nghiệp chỉ mặn mà với việc dùng vốn của mình để gửi NH nhằm lấy lãi thay vì đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh? Một nền kinh tế chỉ khỏe mạnh khi các doanh nghiệp gửi tiền để thanh toán, chứ không phải để lấy lãi đơn thuần?

Mạnh Đức (zung010@yahoo.com.vn)

Khó tin

Ông Phước cho rằng lợi nhuận của ngành NH không nhiều là điều rất khó tin. Nếu cho rằng do NH phải trả lãi suất tiền gửi cao nên lợi nhuận không nhiều là thiếu thuyết phục. Nên nhớ rằng lãi suất tiền gửi càng cao thì lãi suất cho vay cũng càng cao. Như vậy, dù nền kinh tế có khó khăn, dù các doanh nghiệp có thua lỗ thì NH vẫn sống khỏe. Họ đâu có chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp.

Lê Sơn (lsnam6006@gmail.com)

Cao hay thấp ?

NH là một ngành đặc thù có vốn lớn, như vậy với mức chia cổ tức 14-15% thì tỷ lệ lãi của NH còn lớn hơn nữa. Có thể hình dung đó là một con số rất lớn chứ không hề ít như ông Trương Văn  Phước đã nói. Con số này trong thời kỳ kinh tế khó khăn là niềm ao ước của nhiều doanh nghiệp. Mong ông có nhận xét khách quan hơn.

Nghĩa Đỗ (dsnghiadoan@yahoo.com)

Hải Nam

Không thể nói cổ tức 15%/năm là thấp

 Võ Hữu Tuấn
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, để có mức sinh lời chia cổ tức cho các cổ đông khoảng 15%/năm đã là quá tốt. Do đó không thể nói cổ tức 15%/năm là thấp. Theo như thống kê của chúng tôi, ngành NH là một trong một số ngành chia cổ tức khá cao, bình quân khoảng 15 - 17%/năm. Trong khi đó, các ngành khác còn lại như bất động sản, những ngành có đầu tư vốn lớn, ngành sản xuất kinh doanh... có mức cổ tức hay số lời rất thấp, có nhiều đơn vị còn lỗ nữa là khác. (Ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc Công ty CP chứng khoán Bảo Việt)

Cần tính đến đạo đức kinh doanh

 Đỗ Duy Thái
Nhìn chung, nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì ngành NH luôn có nhiều thuận lợi hơn. Nếu chỉ nhìn trong khu vực thì lãi suất (LS) cho vay của VN luôn cao hơn nhiều ở các nước khác. Chênh lệch LS huy động và cho vay của các nước chỉ trung bình ở mức 2%, trong khi của mình chênh lệch hiện nay quá cao. Mức LS cho vay 15%/năm cũng khiến DN khó khăn, huống chi một số NH vẫn còn duy trì LS ở mức gần 20%/năm. Các NH nên xem xét lại điều này vì như thế là không tính đến đạo đức kinh doanh. (Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty Thép Việt)

NH chỉ chăm chú lợi nhuận của riêng mình

 Bùi Kiến Thành
Tôi không quan tâm đến chuyện từng NH lãi bao nhiêu và đó là mức cao hay thấp. Điều đó còn phụ thuộc vào khả năng điều hành của từng NH. Quan trọng nhất là LS hiện nay vẫn quá cao đối với DN. Hệ thống NH luôn đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhưng những năm qua các NH chỉ chăm chú vào lợi nhuận cho riêng mình nên không đóng góp được vai trò tích cực đó. Ngược lại chính bản thân hệ thống NH góp phần gây nên những tổn hại cho DN và nền kinh tế VN hiện nay. Vai trò quản lý của nhà nước, NHNN cũng chưa thực hiện tốt để ổn định hệ thống NH và giảm mạnh LS cho vay. Chỉ khi nào LS về dưới 10%/năm thì mới tạo điều kiện cho các DN hoạt động ổn định và thúc đẩy kinh tế phát triển. (Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành)

T.Xuân - M.Phương (ghi)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

>> Nợ xấu 202.000 tỉ đồng!
>> Sẽ chất vấn Thống đốc Ngân hàng về nợ xấu
>> Ngân hàng phải dùng lợi nhuận giải quyết nợ xấu!
>> Tìm lối ra cho kinh tế Việt Nam - Kỳ 4: Cắt "sở hữu chéo" trị nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.