Lợi nhuận thấp vì dự trữ kém

03/09/2012 03:10 GMT+7

Là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới nhưng cả doanh nghiệp (DN) và người trồng lúa Việt Nam đều không được hưởng mức lợi nhuận tương xứng bởi lý do: kho tạm trữ vừa nhỏ, vừa lạc hậu.

Thua trên sân nhà

Khoảng nửa tháng nay sau khi kết thúc thời gian thu mua tạm trữ, lúa gạo ở ĐBSCL đồng loạt tăng giá mạnh từ 500 - 700 đồng/kg và duy trì ở mức cao. Hiện giá lúa tươi đã vượt mức 5.000 đồng/kg, lúa khô dao động từ 5.650 - 5.900 đồng/kg tùy loại.

 

Có thể đạt chỉ tiêu 7 triệu tấn

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, cho biết tính đến 23.8, đã xuất khẩu trên 4,7 triệu tấn, trị giá FOB hơn 2 tỉ USD. So với năm rồi, lượng xuất giảm khoảng 8%, trị giá FOB giảm 14%. Với tiến độ như hiện nay, nhiều khả năng xuất khẩu gạo sẽ đạt chỉ tiêu đề ra là 7 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang “chạy đua” với chỉ tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn, nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu. Chỉ có điều, lượng gạo xuất thì tăng nhưng giá gạo xuất khẩu của chúng ta lại giảm. Giá gạo Việt Nam giảm hoàn toàn không cùng với xu hướng chung của thế giới.

Những ngày cuối tháng 8, giá gạo Việt Nam có tăng khoảng 5,9% so với một tuần trước đó. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu của khách hàng nước ngoài tăng, còn nguồn cung trong nước khan hiếm. Giá chào xuất khẩu loại gạo 5% tấm tiếp tục tăng thêm 5 USD/tấn so mức cao nhất hồi giữa tuần trước, hiện đang dao động 445 - 455 USD/tấn. Gạo thơm tăng mạnh nhất, 20 USD/tấn, đạt mức giá 645 - 655 USD/tấn. Gạo tấm có mức tăng 10 USD/tấn, lên mức giá 395 - 405 USD/tấn.

Giá tăng mạnh nhưng theo các DN, rất khó thu mua được hàng. Ngoài lý do đã hết vụ thu hoạch và một số hộ nông dân “neo” lúa chờ giá tăng thêm thì nguyên nhân chính của tình trạng này, theo tiết lộ của nhiều DN là do lúa gạo trong nước đang “ngược dòng” chảy sang Campuchia. Ông Trần Thanh Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Gentraco, cho biết chuyện này đã kéo dài từ đầu năm đến nay. Đây là yếu tố “lạ” nhất của thị trường lúa gạo Việt Nam năm nay bởi những năm trước, chỉ có lúa gạo Campuchia chảy về Việt Nam mà thôi.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thừa nhận có nghe các DN ở miền Tây phản ánh về vấn đề này nhưng chủ yếu là gạo đi qua đường tiểu ngạch nên không biết số lượng cụ thể bao nhiêu. "Chúng tôi cũng nghe đâu là gạo, tấm Việt Nam được thu mua để đi qua Thái Lan. Chúng tôi cũng chỉ biết sơ bộ như thế thôi, còn tình hình cụ thể như thế nào thì chưa nắm được" - ông Bảy nói.

Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, chuyện lúa gạo Việt Nam bị “hút” ngược sang Campuchia hay Thái Lan mấu chốt chính là giá cả. Thái Lan thực hiện chính sách thu mua lúa gạo với giá cao để nông dân có lời trong khi giá ở Việt Nam lại thấp nên một số thương lái đã chuyển lúa gạo qua bên kia biên giới để hưởng lợi từ chênh lệch giá. Do đó, ngay tại thời điểm này, thương lái không mua được lúa, các DN đang gặp khó khăn về nguồn cung trong khi thị trường lúa gạo thế giới đang có những tín hiệu lạc quan.

Một DN xuất khẩu gạo ở Cần Thơ, đề nghị không nêu tên, phân tích: trong vụ vừa rồi, các DN trong nước thu mua cầm chừng, lúa gạo tồn đọng nhiều thì việc "chảy" qua bên kia biên giới cũng giúp nông dân có thêm một kênh tiêu thụ, giảm áp lực tồn đọng. Nhưng đến thời điểm này thì chính các DN của chúng ta gặp thiệt thòi. Cụ thể như hiện nay, giá chào xuất khẩu liên tục tăng từ 5 - 10 USD/tấn tùy loại thì hầu hết các DN lại không thể vui vì giá gạo nguyên liệu còn tăng mạnh hơn. Đặc biệt nhiều DN không có hàng dự trữ, không khéo rất dễ bị thua lỗ. Nông dân cũng chẳng khá hơn, đại đa số bây giờ đã hết lúa, giá có tăng mấy cũng chỉ khiến họ càng thêm “tiếc đứt ruột” mà thôi.

Không dự đoán được thị trường, không có hàng mà cũng không có kho dự trữ nên khi thị trường thế giới có nhu cầu, giá tăng cao thì các DN trong nước cũng ít được hưởng lợi. Trong khi giá thấp thì gạo Việt Nam lại chảy qua DN nước ngoài, điều này cho thấy DN chúng ta bị thua ngay trên sân nhà.

Tạm trữ chỉ là tình thế

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ, chính sách thu mua tạm trữ hiện nay chưa mang lại lợi ích cho bà con nông dân vì nó không phải là giải pháp căn cơ. Cùng quan điểm trên, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng chính sách thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế khi lúa trong dân nhiều vào mùa thu hoạch rộ. Nhà nước nên có chiến lược lâu dài hơn như thay tạm trữ bằng thu mua dự trữ quốc gia và dự trữ thương mại. Sau đó tổ chức đấu thầu, bán lại cho các DN khi họ có đơn hàng xuất khẩu. Như vậy mới có thể cân bằng được lợi ích quốc gia, DN và bà con nông dân.

Ngay chính Bộ NN-PTNT cũng thừa nhận, chính sách thu mua tạm trữ không phát huy được hiệu quả như mong muốn và nông dân được hưởng lợi rất ít từ chính sách này. Bộ này cũng đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về cơ chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp hộ nông dân trồng lúa. Có rất nhiều ý kiến được đưa ra tại hội nghị này như: tạm trữ lúa trong dân, tạo cơ chế để nông dân trữ lúa trong kho của DN, tạm trữ theo chỉ tiêu của từng địa phương…

Quy chế cụ thể như thế nào thì vẫn phải tiếp tục bàn thảo để chọn ra phương án tối ưu nhưng dù cơ chế nào được lựa chọn thì để thực hiện, cũng cần phải có kho chứa. Các chuyên gia lưu ý rằng, để chất lượng lúa gạo không bị giảm sút thì yếu tố kỹ thuật trong khâu bảo quản là rất quan trọng. Do đó, cần phải có những kho chuyên dụng quy mô lớn mà điều này thì nông dân khó có thể làm được. Vì vậy, cần có các kho dự trữ từ các DN hay của chính phủ thông qua sự quản lý của các địa phương hoặc DN nhà nước.

Lợi nhuận thấp vì dự trữ kém
Một lượng lúa gạo đáng kể “chảy” sang Campuchia đã phần nào gây khó khăn cho DN trong thời điểm hiện tại - Ảnh: Chí Nhân

Kho chứa nhỏ, lạc hậu

Nhờ có hệ thống kho dự trữ tốt, Thái Lan hiện có lượng gạo dự trữ lên đến trên 12 triệu tấn, để chờ “đúng lúc, đúng giá" mới bán. Điều này đã giúp Thái Lan thực hiện tốt chính sách thu mua lúa với giá cao để đảm bảo thu nhập cho người nông dân.

Tương tự, dù là nước nuôi nhiều “miệng ăn” nhất thế giới nhưng Trung Quốc vẫn có thể xuất siêu lượng gạo bình quân khoảng 1,1 triệu tấn/năm nhờ vào kho dự trữ khổng lồ và nhập - xuất linh hoạt của mình. Còn VN, dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng hệ thống kho chứa của Việt Nam vừa nhỏ lại lạc hậu. Với sản lượng lúa bình quân hằng năm của cả nước hiện trên 38 triệu tấn, riêng ĐBSCL hơn 20,6 triệu tấn, theo tính toán, để ổn định thị trường lúa gạo trong những vụ thu hoạch rộ và ổn định nguồn hàng phục vụ cho xuất khẩu thì ĐBSCL cần hệ thống kho có sức chứa tương đương 4 triệu tấn. Tuy nhiên, gần nửa hệ thống kho hiện vẫn nằm trên giấy.

Cụ thể, từ cuối năm 2009, Bộ NN-PTNT triển khai đề án xây dựng hệ thống kho dự trữ lúa gạo tại ĐBSCL sức chứa 4 triệu tấn (xây mới 2,5 triệu tấn), vốn đầu tư 7.620 tỉ đồng dự kiến ban đầu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của Bộ này cho thấy, tính đến cuối tháng 3 năm nay, mới chỉ có Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) xây dựng được kho 711.000 tấn, Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) xây dựng được kho 210.000 tấn. Còn việc xây dựng hệ thống kho chứa lúa tại các địa phương vẫn nằm trên giấy. Như vậy, còn trên 1,5 triệu tấn kho bị “nợ” lại chưa được xây dựng theo kế hoạch.

Giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục biến động

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá lương thực trên thế giới vào tháng 7 tăng trung bình 10% so với tháng 6. Đặc biệt, giá bắp và đậu nành tăng ở mức kỷ lục, lần lượt là 25% và 17%, do nạn hạn hán hoành hành tại Mỹ, nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu 2 loại nông sản này. Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức bất thường tại Đông u cũng khiến nhiều nước sản xuất lúa mì chủ lực như Nga, Ukraine, Kazakhstan bị suy giảm sản lượng nghiêm trọng. Giá lương thực tăng với tỷ lệ rất khác nhau ở thị trường nội địa các nước. Trong quý 3/2012, giá bắp tăng mạnh nhất ở khu vực hạ Sahara, cụ thể là tăng đến 113% tại Mozambique. Cao lương cũng lên đến mức chóng mặt ở các nước Đông Phi như Nam Sudan (tăng 220%), Sudan (180%)...

Báo Le Monde dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Jose Graziano da Silva nhận định giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục chịu nhiều biến động và nhìn chung vẫn ở mức cao trong vòng 10 năm tới. FAO khuyến cáo các nước nên có một nguồn dự trữ nông sản đủ cho nhu cầu của dân chúng từ 1 tuần cho đến 1 tháng. Những biến động về giá lương thực chủ yếu do giới đầu cơ nông sản giữ hàng để đẩy giá lên cao. Để hạn chế tình trạng này, khối G20 đã thành lập Hệ thống thông tin về thị trường nông sản (AMIS) nhằm minh bạch hóa giá cả lương thực thế giới.

Lan Chi

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.