Mua điện nước ngoài, tại sao không mua trong nước?
Trước đó, 36 doanh nghiệp (DN) đầu tư điện gió, điện mặt trời (ĐMT) chuyển tiếp (dự án không vận hành thương mại kịp thời hạn để hưởng giá ưu đãi cố định trong 20 năm) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu và tính toán để đưa ra khung giá phát điện mới trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá. Đồng thời kiến nghị được huy động công suất của các dự án đã hoàn tất xây dựng trong thời gian chờ sửa khung giá phát điện cũng như chuyển đổi tiền mua điện sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá.
Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm nay, Bộ Công thương ban hành Quyết định 21 về khung giá phát điện mới cho các dự án chuyển tiếp với giá trần dự án ĐMT là 1.185 - 1.508 đồng/kWh và điện gió là 1.587 - 1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20 - 30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra. Các nhà đầu tư cho rằng họ đã phải chờ hơn 2 năm để có cơ chế giá phát điện mới, làm cơ sở để thỏa thuận giá bán điện với EVN. Tuy nhiên, với khung giá này, giá bán điện thực tế của các dự án chuyển tiếp sau đàm phán sẽ thấp hơn hoặc bằng mức trần tại khung giá. Từ đó, các DN lo ngại sẽ lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, giá điện nhập khẩu là 6,95 cent/KWh; ngoài ra chúng ta còn phải đầu tư đường truyền tải từ biên giới của quốc gia đó về tới điểm đấu nối. Với phương án mới, nếu mua điện tái tạo chuyển tiếp với mức giá bằng 90% giá điện nhập khẩu, tương đương khoảng 6,2 cent/KWh. Trong khi đó, dự án đầu tư năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng, đã có hệ thống đấu nối và truyền tải. Đây là mức giá tạm tính cho các chủ đầu tư. Sau này khi có giá chính thức, có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu thì EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận, cho rằng điểm mấu chốt của vấn đề là giá mua điện theo Quyết định 21 quá thấp, không phản ánh đúng chi phí và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Tại thời điểm các dự án được đầu tư, không ai lường trước được chính sách giá đột ngột giảm mạnh như vậy. Các DN khi quyết định đầu tư, ngoài nguồn vốn tự có thường còn phải huy động các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Vì vậy, tình thế hiện nay đẩy họ vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. "Với hướng giải quyết tạm thời như đề xuất của chị Bình thì có thể một số dự án với suất đầu tư thấp có thể tạm thời vượt qua khó khăn", ông Hà nói.
Ủng hộ phương án này, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lập luận nếu chúng ta vẫn phải mua điện ở nước ngoài thì tại sao không tính chuyện mua điện trong nước với giá tương tự? Đề xuất giá mua chỉ bằng 90% giá nhập khẩu cần được xem xét thỏa đáng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, vì nó vừa giải quyết vấn đề giá thành mua bán điện, hài hòa lợi ích DN đầu tư điện sạch và giảm phụ thuộc nguồn cung điện từ nước ngoài.
Tránh rơi vào lợi ích nhóm
Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, phân tích rằng khó có thể so sánh giá điện tái tạo với giá điện nhập khẩu vì điện tái tạo có tính ổn định không cao. Ngược lại, điện nhập khẩu ổn định hơn và kèm theo là cơ chế bảo hiểm tính ổn định nguồn cung từ bên bán điện. Đó cũng là lý do mà ngành điện thích nhập khẩu điện hơn vì dễ mua, dễ bán và dễ phân phối.
Theo ông Phong, vấn đề sâu xa của ngành điện lâu nay là việc xung đột lợi ích khi EVN vừa là nhà sản xuất, người mua, người bán, truyền dẫn, phân phối… nên tính độc quyền cao và lợi ích rất nhiều. Điều này dẫn đến việc giá bán điện cho xã hội chỉ có lên mà không xuống. Trong khi giá mua điện tái tạo thì lại giảm liên tục mà không gắn với lộ trình giảm giá bán điện cho người dân.
Nghịch lý thứ hai, EVN thường kêu không đủ nguồn phát điện và nguy cơ thiếu điện, đặc biệt trong mùa khô, nhưng giờ có nguồn cung lại vướng cơ chế thu mua theo giá hợp lý. Đó là những bằng chứng cho thấy EVN chưa thấu đáo trong vấn đề giải quyết xung đột lợi ích.
"Nhưng trên hết vẫn là cần một cơ chế, chính sách từ nhà nước để cân bằng và hài hòa lợi ích các bên. Trong Quy hoạch điện 8, cần phải xây dựng một chính sách tốt hơn cho ngành điện, trong đó có cả cơ chế cho DN mua bán điện trực tiếp. Đây là cơ chế phổ biến ở nhiều nước", TS Nguyễn Minh Phong nói.
Về lâu dài, TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng VN, nhận xét: VN cần có chính sách dài hạn bảo đảm lợi ích của các nhà đầu tư năng lượng tái tạo để khuyến khích họ tham gia. Tuy nhiên, ở thời điểm này và trong bối cảnh kinh tế VN cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn, vấn đề quan trọng hơn với ngành điện chính là giá bán điện cho người tiêu dùng. Gần đây, ngành điện cũng đưa ra những thông tin về áp lực tăng giá bán điện.
"Đây là vấn đề cần các bộ, ngành quan tâm và cân nhắc thận trọng hơn, vì nếu tăng giá thì áp lực lên nền kinh tế sẽ như thế nào, thu hút đầu tư có bị ảnh hưởng? Việc giá mua bán điện của từng loại hình cần được đặt trong một bức tranh tổng thể của nền kinh tế đang trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay", ông Ngô Đức Lâm nêu quan điểm.
"Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, từ nay đến năm 2030, VN cần khoảng 30 tỉ USD để phát triển loại hình năng lượng tái tạo. Trong số đó, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần còn lại phải xã hội hóa. Chính vì vậy, điều quan trọng phải huy động được sự tham gia của các DN cả trong và ngoài nước. Mà để thu hút được đầu tư thì nhà nước cần có cơ chế, chính sách công khai, minh bạch và mang tính ổn định cao. Đó là những điều kiện cần phải có để các DN yên tâm đầu tư. Đối với những DN đã đầu tư rồi, cần phải giải quyết".
TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Bình luận (0)