Cuộc họp đã đánh giá toàn diện 54 dự án trong giai đoạn chuẩn bị hoặc đang đầu tư năm 2022 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với tổng công suất khoảng 60.000 MW.
Về giải pháp bảo đảm cung ứng điện, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực VN (EVN) Dương Quang Thành cho biết EVN đã tính toán cân đối công suất miền Bắc trong giai đoạn 2022 - 2025 để đánh giá khả năng cung ứng điện theo các kịch bản tăng trưởng công suất đỉnh. Theo tính toán, các kịch bản đều thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (trong tháng 5, 6, 7, 8 ở phía bắc), nếu không có giải pháp về công suất đỉnh thì sẽ xảy ra thiếu điện. Tập đoàn EVN đề nghị giải pháp lắp các hệ thống tích điện để phát giờ cao điểm; từ đó đề xuất các chính sách để triển khai các hệ thống tích điện.
Một số ý kiến tại cuộc họp đề xuất, do việc xây dựng các nguồn điện mất nhiều thời gian, có 2 giải pháp là nhập khẩu điện và đẩy nhanh thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp để thu hút nhiều nhà đầu tư. Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đối với các dự án năng lượng tái tạo, khi thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá được ban hành, trên cơ sở đó, EVN sẽ xây dựng khung giá, trình Bộ Công thương thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, trong thời gian tới, nhiệm vụ tiên quyết của ban chỉ đạo là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, tuyệt đối không để thiếu điện. Trước hết, Bộ Công thương chỉ đạo EVN, PVN quyết tâm cao, xây dựng tiến độ chi tiết cho các dự án nguồn điện lớn như Quảng Trạch I, Long Phú I… đang đầu tư, tháo gỡ khó khăn phát sinh, đảm bảo sớm đưa vào vận hành, khai thác. Đối với các dự án đang triển khai đầu tư, cần rà soát, lập danh mục các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian chuẩn bị để sớm khởi công từ nay đến 2025. Các đơn vị họp hằng tháng để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai thi công và các dự án chuẩn bị đầu tư, nếu không đến năm 2025, nguy cơ thiếu điện rất cao.
Bình luận (0)