Lối ra cho thị trường bất động sản

20/02/2023 04:06 GMT+7

Đó là nhận xét của các doanh nghiệp, chuyên gia và cả người mua nhà sau hội nghị do Chính phủ tổ chức liên quan đến thị trường bất động sản cuối tuần trước.

Trước hội nghị này, không khí lo lắng bao trùm thị trường bởi các cuộc họp trước đó của Ngân hàng Nhà nước, một số Bộ, ngành địa phương không đưa ra được giải pháp cụ thể nào. Tình trạng này cũng tương tự với các cuộc hội thảo, đối thoại, gặp gỡ... giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) thời điểm cuối năm ngoái. Tất cả chỉ dừng lại ở việc "lắng nghe" rồi vốn vẫn tắc, pháp lý vẫn vướng, lãi suất vẫn cao ngất ngưởng, cán bộ vẫn sợ ký... Trong khi sức chịu đựng của các DN BĐS đã tới giới hạn, ngay cả các "ông lớn" cũng đành tuyên bố đơn phương phá vỡ cam kết đồng hành với khách hàng, chấp nhận mang tiếng bội tín vì mất thanh khoản. Các công ty hạng trung và nhỏ thì khỏi nói, buộc phải chấp nhận từ bỏ cuộc chơi. Lãnh đạo một DN BĐS hàng đầu Việt Nam thừa nhận đang "ăn đong" từng ngày, cắt hàng loạt dự án khiến hàng ngàn công nhân xây dựng không có việc làm, không có thu nhập. Ông chủ một tập đoàn lớn tại TP.HCM cho biết từ quý 4/2022 đã không còn tiền trả lương vì hàng bán không được trong khi chạy vạy khắp nơi để lo tiền đáo hạn trái phiếu DN. Trong bối cảnh đó, thị trường xuất hiện hàng loạt tin đồn khiến người cần nhà hoang mang giữ chặt túi tiền. Không mua mới đã đành, ngay cả các dự án đang mua, không ít khách hàng cũng dừng thanh toán để nghe ngóng. Cái khó bó hết mọi con đường, thị trường BĐS chưa bao giờ bế tắc đến thế. Mỗi một cuộc họp trôi qua không có giải pháp là thêm một lần lòng tin bị bào mỏng... Vì vậy, mọi hy vọng dồn hết vào hội nghị do Chính phủ tổ chức cuối tuần trước mà Thủ tướng trực tiếp chủ trì.

Chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của thị trường BĐS hiện tại, người đứng đầu Chính phủ đưa giải pháp cụ thể đến từng địa chỉ cụ thể. Ngân hàng Nhà nước phải giải quyết tín dụng, phải giảm lãi vay; Bộ Tài chính phải khơi thông vốn từ trái phiếu DN; Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỉ cho nhà ở xã hội; chủ đầu tư BĐS phải chấp nhận khi lời khi lỗ, đầu tư đúng nhu cầu thị trường...

Ngay sau hội nghị, dự thảo nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, đã đưa ra rất nhiều giải pháp như giãn nợ gốc, lãi vay cho các công ty khó khăn; tiếp tục cấp tín dụng với dự án có phương án vay vốn khả thi; tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu khơi thông dòng vốn và tạo tính thanh khoản cho thị trường... Có thể nói, đó là những vấn đề sát sườn nhất, những nút thắt đang vây hãm các DN và cả người mua nhà.

Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ cũng "đốt nóng" các địa phương. Hôm nay, lãnh đạo TP.HCM sẽ họp trực tiếp với 6 chủ đầu tư của 7 dự án bị vướng mắc trên địa bàn. Cuộc họp này tổ chức chỉ 5 ngày sau buổi gặp gỡ với các DN BĐS ngày 15.2 do TP tổ chức và 3 ngày sau hội nghị của Chính phủ. Trong giấy mời họp cũng ghi rõ từng dự án, thành phần tham dự ngoài lãnh đạo TP và chủ đầu tư thì những sở, ngành có thẩm quyền liên quan tới từng dự án cũng phải tham gia. Trước đó tại hội nghị với Thủ tướng, lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định sẽ ưu tiên giải quyết dứt điểm cho 38 trong khoảng 116 dự án gặp vướng.

Trên nóng, dưới không thể lạnh và đó chính là lối ra cho thị trường BĐS hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.