Tiếng rao ấy chạy dài, lan xa mãi bằng cái giọng Sài Gòn sang sảng khoảng vài ba trăm mét. Từ lầu 6 nhìn xuống, ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng là một người đàn ông, phía sau cột chiếc giỏ sắt rộng, phủ lên một mảnh vải bố. Lời rao trong chiều cuối tuần loáng nắng, gợi về quá nhiều ký ức.
Dạo đó trước năm 1972, ở TX.Quảng Trị chưa nổ ra cuộc chiến dữ dội mà sử sách gọi tên “mùa hè đỏ lửa”, tôi là một cậu nhóc tiểu học. Món ăn buổi chiều mẹ thường mua là từ một chú Khách (người Hoa).
Cứ đi chơi loanh quanh trong xóm, nghe chú ấy rao rặt giọng Tiều (Triều Châu): “Pánh pò, pánh pò, pánh pò... đây...” là ù chạy về, thế nào cũng được một cái. Cầm trên tay, bánh bò còn ấm nóng, trắng thanh, cắn vào giòn hơi sật, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, cộng với thứ bột bí truyền của riêng chú Khách trôi qua cổ họng thì nhanh mà tiếng rao còn ghi dấu lại mãi sau này!
Bước qua tuổi niên thiếu, tôi vẫn còn nhớ như in những đêm mưa rả rích ở ga Huế. Thuở bao cấp, nhảy tàu chui là “bài” của bọn sinh viên. Tiền không có, cứ lang thang ở cái sảnh ga vàng vọt ánh đèn khuya. Chờ tàu đến, bước dọc theo hè ga, có một đoạn hàng rào thép gai ai đó đã gỡ, lội lõm bõm trên thứ nước đen kịt, áp sát thân tàu rồi nhảy một phát đu mình chui tọt vào, cứ thế lủi nhủi cho đến lúc tàu dừng ga Đông Hà cách đó khoảng 70 km, là... phóc xuống.
Nhưng cái thú tự cho mình vui một chút, theo kiểu AQ là lúc chờ tàu, ngồi lim dim nghe bụng réo, cố để lọt vào tai câu rao “độc nhất vô nhị” của mấy o, mấy chị bưng cái mẹt ở sảnh ga, trên đó bỏ đủ thứ “hầm bà lằng”.
Đi qua đi lại, chỉ một hơi thôi, rao rằng: “Ai kim may kim vá đá bíc kê búp chỉ lược sưa lược dày díp dổ lông mày gương soi mặt long lão nê... nê... ê...” (Ai mua: kim may kim vá, đá bíc kê là đá lửa bỏ vô cái bật lửa (bíc kê: bật lửa, phiên ra từ tiếng Pháp: briquet), búp chỉ là cuộn chỉ cuốn lại thành búp, lược sưa là lược thưa để chải đầu, lược dày là lược để chải con chấy, díp dổ là nhíp nhổ lông mày, gương soi mặt, long lão là viên long não bỏ vô rương, tủ áo quần trị gián). Nhảy tàu mấy năm nghe thuộc làu!
Lại nhớ có mấy bận thường đi xe vô Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để dạy học từ bến xe An Cựu (Huế), bây giờ nhích lên một quãng được đặt tên là Bến xe phía Nam. Ngồi trên xe đò mùa hè, nóng lắm nhưng phải chờ. Vậy là nghe mấy o mấy chú bán nước chè xanh bỏ đá lạnh, lời rao rất có nhạc, lên xuống trầm bổng phảng phất như... điệu Nam Bằng của xứ cố đô. Họ rao: “Nước chè đá lạnh ai nước nê... ê... ê, nước nê... ê... ê ai nước chè đá lạnh nê... ê... ê”. Thoảng đi thoảng lại cả mấy tiếng đồng hồ cho đến khi xe chuyển bánh, vẫn nghe vẳng giọng Huế!
Mùa lạnh gần tết, hồi ấy vào khoảng năm 1989 đến 1992, Bến xe cây số 3 ở TX.Buôn Ma Thuột khá lớn, tôi ghé đi cũng vài chục lần. Đây là bến xe tỏa đi khắp các hướng, về TP.HCM, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, ra Trung ra Bắc, đủ cả. Thường về miền Trung, lên chuyến xe lúc 3 giờ sáng, ngồi chờ đến 5 giờ thì xe chạy.
Khoảng thời gian ấy, nghe nhuyễn luôn cả câu rao của người đàn ông đậm người, giọng Quảng Nam rổn rảng: “Bánh mì nóng giòn mới ra lò đê... ê... ê... Bí mành nón giòng mó ra lời đê... ê... ê”. Thoạt nghe lần đầu, thắc mắc không biết gã rao gì đoạn sau.
Thoáng nghĩ lại chút, hóa ra gã “sáng tạo” rao theo kiểu nói lái. Ai cũng vói tay ra thành xe, mua một người vài ba ổ. Bánh mì của gã ngon đặc biệt, rất thơm và có chút béo, bùi bùi. Trong cái se lạnh gần tết cao nguyên, nhẩn nha lót dạ nghe tiếng rao quẩn quanh gần xa đâu đó giữa các hàng xe, có cái thú riêng của nó!
Ai từng dịch chuyển mà chẳng nhớ lấy vài câu rao xứ này qua xứ nọ. Tôi cũng như thế, ghi lại kẻo quên chút ký ức, để vui với bạn bè lúc trà dư tửu hậu, cất giọng rao chơi!
Bình luận (0)