Không có Mỹ và NATO lật đổ Taliban năm 2001 thì ông Karzai đâu thể trở thành tổng thống từ đó đến nay. Càng gần đến thời điểm Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, quan hệ giữa ông Karzai với Mỹ và NATO càng bộc lộ thêm trục trặc. Thật ra, điều này không ngoài chủ ý của ông Karzai. Nó có lợi cho riêng ông, nhưng đầy rủi ro với an ninh và ổn định ở Afghanistan.
Lý do ở chỗ ông Karzai chỉ còn cầm quyền nửa năm nữa và Afghanistan đang đàm phán với Mỹ về hiệp ước an ninh mới, làm nền tảng và khuôn khổ cho quan hệ hai nước sau thời điểm Mỹ rút quân năm 2014. Ông Karzai dụng ý đề cao vị thế của mình trong đàm phán, dùng hình ảnh "độc lập với phương Tây" chứ không phải là "bù nhìn" để tranh thủ dân chúng và dư luận xã hội Afghanistan cũng như phân hóa họ với Taliban. Đó là chiến thuật tận lợi riêng của ông Karzai trong tình cảnh không còn gì để mất. Tham vọng của ông là đi vào lịch sử với tư cách người dẫn dắt Afghanistan đến độc lập và thống nhất về sắc tộc và tôn giáo.
Chỉ có điều khi suy tính như vậy, ông Karzai đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn lợi ích với Mỹ và NATO. Taliban đủ khôn ngoan để lợi dụng triệt để sự phân rẽ đó. Mặt khác, ông Karzai đẩy Mỹ và NATO vào thế buộc phải ký hiệp ước nhưng phải trù tính thực hiện thỏa thuận ấy với người khác. Rủi ro lớn về mất ổn định chính trị và an ninh ở nước này có gốc rễ từ những điều đó.
Thảo Nguyên
>> NATO bảo vệ giải pháp quân sự với Syria
>> Nga, NATO sắp tập trận chung
>> NATO tiến về phía đông
Bình luận (0)