Lời ru của biển - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

02/10/2022 08:04 GMT+7

1 Mai vén màn, cầm quạt lá ra trước thềm phủi phủi rồi tựa mình vô cây cột. Trời trong veo, không một áng mây hay chút gió từ khơi xa thổi vô xóa đi cơn nóng hầm hập.

Chiều nay tivi có tin báo bão. Áp thấp nhiệt đới đang mạnh dần lên. Bà con bắt đầu chộn rộn chuẩn bị bao hốt cát lèn lên mái tôn, ván ép đóng cửa sổ, í ới gọi nhau không cho thuyền bè ra khơi. Cơn ác mộng năm năm trước vẫn còn ám ảnh. Hồi đó ai cũng nghĩ vùng đất này được núi Hòn Hèo bao bọc nên thiên tai chẳng ảnh hưởng bao giờ. Ai ngờ... Bão vào, mọi người trở tay không kịp. Phi lao nghiêng ngả. Dừa bị chém đứt ngọn. Mái tole, gạch ngói bay khắp nơi. Tiếng khóc than vang vọng khắp cả làng. Những mảnh khăn tang chít vội trên đầu. Thuyền bè nằm xếp lớp dập vùi trong bão tố.

Mai ngước nhìn hàng triệu vì sao đang lấp lánh trên trời. Trong ánh sáng huyền ảo của sao đêm, cô vẫn thấy ngọn núi có hình đức Phật Thích Ca nằm đầu gối lên tay, mắt nhắm nghiền, an yên ngủ trong chánh niệm.

Mà trời càng yên lặng, gió không thổi dồn thì mức độ kinh hoàng của bão càng tăng lên. Dân miền biển xứ này vẫn nói vậy.

Nhưng trong lòng Mai, đang có trận bão dữ dội và đáng sợ hơn trận bão ngoài khơi xa. Chỉ còn đêm nay nữa thôi, trưa mai, cô dẫn bé Tâm vô Sài Gòn, giao cho ba nó để dẫn qua Mỹ, bắt đầu cuộc đời mới.

Minh họa: Tuấn Anh

2 Mười tám tuổi, Mai đậu đại học. Ba má kêu cô lại ngồi trước bàn thờ ông bà, nhỏ nhẻ. Nhà có hai chị em bây, dù tao với ổng có lớn tuổi rồi, đi biển được bữa đực bữa cái, nhưng không vì thế mà bây nhụt chí. Cứ vô Sài Gòn học đi, tao với ổng lo được mà. Đừng như con gái xứ này, chưa chi đã chồng con đùm đề, khổ lắm.

Như định mệnh sắp sẵn, con gái miền biển quê cô học hành không cao, ở vài năm lại ế xỏ ế xiên không ai thèm rớ. Chưa tới hai mươi, đã vội theo chồng về làm dâu, rồi sống cảnh “chồng ướt đít, vợ ướt môi” của những gia đình dọc làng chài xứ biển. Nơi đó, người chồng tất bật ghe tàu, mỗi năm mấy trăm ngày nhấp nhô theo con sóng ra khơi đánh bắt xa bờ. Nhiều khi sáng đi chiều về, có lúc cả tháng trời mới cập bến.

Đàn bà xóm chài quanh năm ở nhà, rảnh thì đan lưới, xẻ cá phơi khô, không thì lê la sang hàng xóm nhiều chuyện cho vui, chiều về lo cơm nước, sáng cầm rổ ra bến chờ thuyền cá tôm về, mang ra chợ bán. Rồi sòn sòn năm một. Những đứa bé đen nhẻm bởi gió, tóc vàng hoe dưới cái nắng cháy da, môi thâm đen vì muối mặn. Con trai mười lăm, mười sáu đã theo cha anh ra biển mưu sinh; con gái mười tám lật đật đi lấy chồng cùng xóm. Lúc biển động, thuyền cập bến, chỏng chơ, cá mắm không có lấy vài chục ký. Cả làng chùng xuống nỗi lo toan. Bao giờ sóng yên biển lặng, thuyền lại ra khơi và tiếng cười giòn tan trở về giữa lập lòe ánh điện.

Mai không muốn mình lâm vào hoàn cảnh đó. Cô ráng thi đậu Đại học Kinh tế ở Sài Gòn, khăn gói vào dụm chùm vào trọ học. Bốn năm nữa thôi, Mai ra trường, sẽ về quê, cố gắng gầy dựng một cuộc sống ổn định hơn. Tính là kiếm chút vốn làm đầu nậu thu mua tôm, ốc ở mấy cái đìa, rồi chở lên thị xã Ninh Hòa, hay vô Nha Trang bỏ sỉ cho mấy quán nhậu dọc ven thành phố.

Ước mơ chưa kịp thành sự thật, đùng một cái Mai gặp Sinh trong một lần ngồi thơ thẩn giữa sân trường. Giọng nói, tiếng cười ấm áp và vẻ mặt điển trai của chàng sinh viên cao học đã chiếm lấy hồn cô. Lẽ tự nhiên phút yếu lòng, Mai ân cần trao cho Sinh đời con gái.

Cái bụng ngày một lớn không thể giấu giếm được nữa. Hồ sơ chị gái bảo lãnh Sinh sau gần mười ba năm dài đằng đẵng cũng đã được thông qua. Visa gửi về. Vé máy bay cũng đã mua. Hai lần Mai lấp ló trước Bệnh viện Từ Dũ rồi lật đật nước mắt vắn dài bỏ đi, khi nghĩ tới mầm sống trong mình mỗi ngày một lớn.

- Anh sẽ nói người lớn ra nhà em thưa với ba má để danh chính ngôn thuận hai đứa mình là vợ chồng. Em ráng một mình nuôi con, anh ráng làm lụng kiếm tiền mỗi năm về thăm mẹ con em một hai lần. Khi nào anh có quốc tịch, hai đứa mình sẽ làm đám cưới thiệt rình rang rồi anh đưa em với con sang bên đó.

Dì dượng Sáu ngồi thất thần nhìn nhau khi thấy anh chị Sinh tới nhà thưa chuyện. Bà con bu đông đen trước ngõ. Chỉ năm phút thôi là tin con Mai có chửa lan khắp cả xóm làng. Anh chị của Sinh bảo mong dì dượng thứ tha. Ba má con không có ở đây để nói chuyện cho ngang hàng phải lứa. Nhưng hai đứa nó lỡ thương nhau rồi. Dì dượng giúp đỡ nhà con, lo cho Mai mẹ tròn con vuông. Ba má con bên kia sẽ biết ơn nhiều lắm.

Rồi Sinh rời bỏ mẹ con Mai ra đi, như cơn gió khốc khô thổi qua miền tối sáng, để lại trong lòng cô nỗi trống trải vô biên, như những mái lều trống trước hụt sau giữa ngày bão nổi. Sáng sớm, cô vác bụng bầu lặc lè ra trước nhà chờ thuyền thúng về, mua mớ cá tôm chở ra chợ bán. Trưa về lo cơm nước cho cả nhà. Chiều tối, Mai ngồi trước sân ngóng về phía biển, chờ điện thoại của Sinh. Hơn hai trăm ngày có lẻ. Mọi việc lặp đi lặp lại đến mức chán nhàm. Vậy mà cô vẫn thấy vui, bởi mầm sống lớn dần và ước mong gia đình đoàn tụ một ngày không xa cho cô thêm niềm vui sống.

Sinh về thăm nhà khi bé Tâm vừa đầy tháng.

Sinh tiếp tục về thăm khi Mai nấu xôi chè cúng ông bà mừng thôi nôi con.

Sinh về lần nữa khi Tâm bập bẹ gọi má thưa ba. Anh bảo, em ráng chờ nhen, hơn hai năm nữa là anh nộp đơn thi quốc tịch rồi gia đình mình đoàn tụ. Anh đang để dành đủ một trăm ngàn down (*) căn nhà có chỗ chui ra chui vô. Em qua tới nơi mình làm thêm ít tháng là đủ tiền mua tiệm. Lúc đó mặc sức mà rủng rỉnh.

Nào ngờ lời hẹn thề ấy chỉ ở chót lưỡi đầu môi. Triều xuống rồi lên mỗi ngày. Mùa biển động kéo dài ba tháng năm nào cũng về. Tháng hai ruốc theo con nước bơi đầy cả biển khơi. Tháng bảy trời làm Nam gió thổi từng cơn nóng hừng hực, cá ồ dập dìu bơi lội. Vậy mà Sinh vẫn hoài bóng chim tăm cá. Không lá thư, chẳng có cú điện thoại hay một hai trăm đô gửi về lo cho con thêm lần nữa. Anh tan biến như chưa từng tồn tại. Với bản tính cứng cỏi của cô gái ngoài hai mươi đã đầu tắt, mặt tối vì con, Mai chưa một lần chủ động liên lạc với anh. Chưa một lần ngồi xe đò vô Sài Gòn tới nhà anh để hỏi thăm tin tức. Mai biết chắc anh đã đổi điện thoại, chặn Yahoo rồi Facebook của cô; muốn cô và con trở thành một phần của dĩ vãng, trôi mất vào cõi vô hình.

3 Mười một năm dài đằng đẵng trôi qua. Năm đầu Mai có chờ. Năm thứ hai Mai có chờ. Năm thứ ba, mỗi lần biển động, thú thiệt Mai có ra cổng làng đứng ngóng cái dáng cao gầy lẫn mùi mồ hôi ngai ngái của anh như hòn vọng phu ôm con đứng đợi chồng về sau cuộc chiến. Năm thứ tư, thứ năm, Mai không chờ nữa. Con mỗi ngày một lớn. Tiền ăn, tiền học, mua sắm áo quần khiến Mai đâu thể dựa dẫm mãi vào ba má khi họ già đi từng giây phút. Và như bao cô gái miền biển khác, sáng sớm cô xuống bến chờ ghe. Những giỏ ruốc tươi rói, mấy con cá cờ, cá bò, tôm ghẹ nặng trĩu là nguồn sống của cả nhà. Người Mai lúc nào cũng dậy lên một mùi cá mắm. Dù có tắm bao nhiêu lần đi nữa, nhưng mùi tanh tanh thoang thoảng ấy vẫn bám lấy người không rời bỏ.

Mấy đứa bạn học xúi cô lấy chồng đi. Dì Tư, dì Hai trong xóm kêu có đám dưới kia coi mòi cũng ngon lắm. Thích thì tao dắt nó lên nhà coi mắt, chờ đợi gì cái ngữ phản bội ấy hoài. Mai cười chua chát. Cô không đợi chờ gì nữa. Sinh chỉ là bóng mờ dĩ vãng lướt qua ngày tháng nhọc nhằn. Mà dẫu có chống chế gì đi nữa, thì khuôn mặt con, đôi mắt, sóng mũi đều như đúc mà ra. Mai như con cá một lần lọt lưới, như chim lỡ trúng tên, sợ hãi khi nhắc tới hai chữ “lấy chồng”.

Cho đến một trưa đứng bóng, nắng như đổ lửa đổ than, chiếc xe con bóng loáng đậu ngay đầu hẻm. Sinh áo quần sang trọng, nước hoa thơm lựng, tóc muối tiêu chải ngược, bước vô nhà xin mang bé Tâm qua Mỹ để bù đắp lại những năm tháng anh bỏ bê con.

Mai ngước nhìn anh. Vẫn đôi mắt biết nói và giọng nói ấm áp năm nào làm cô ngây ngất. Nhưng mọi thứ sao trở nên lạ xa đến mức lạnh lùng. Mười mấy năm qua anh ở đâu không một lời thăm hỏi mẹ con tui dù chỉ là cay đắng? Mà thôi, tui với anh dù gì cũng nước lã người dưng, không danh, chẳng phận, nhưng giọt máu anh tạo ra sống chết thế nào cũng không ngó ngàng? Mấy lần nó bệnh, nó đau, tui chân thấp chân cao ẵm nó vô bệnh viện thức tới sáng đêm, thì anh đang ấm êm bên xứ ấy sang giàu. Những lúc cần đóng tiền học, tiền trường, tui vật vã dậy sớm, thức khuya kiếm từng đồng lẻ thì anh đang yên giấc bên cô vợ đẹp. Để rồi giờ, nó trắng da dài tóc, anh về xin dẫn đi một tiếng gọn bâng, không biết ngượng miệng?

Nhưng cô nghĩ, tương lai con gái đâu thể gắn bó mãi với làng chài.

4 Dì Sáu chầm chậm ra ngồi cạnh bên, lấy quạt phe phẩy đuổi muỗi cho con.

- Khuya rồi, vô nhà ngủ đi bây. Sương xuống sinh bệnh càng khổ.

Cô ngồi xích lại, tay ôm choàng lấy tay bà, đầu tựa lên vai, như cái hồi nhỏ xíu xiu, vẫn hay làm vậy. Những lúc như thế này, Mai mới thấy bình yên. Bão tố trong lòng cũng vơi đi hết phần nào, nhẹ nhõm.

- Má có buồn con hông?

- Buồn vì cái gì?

- Con chừng tuổi này vẫn làm khổ ba với má.

Dì Sáu đưa mắt ra xa, trầm ngâm, rờ đầu con gái.

- Khổ gì đâu bây. Già cả, sắp xuống lỗ tới nơi rồi, bao nhiêu chuyện bể dâu cũng trải qua hết rồi. Giờ có tụi bây cận kề bưng cơm vừa nước, tao với ổng thấy mình có phước.

- Má nghĩ con làm vậy với Tâm được hông?

- Bây coi, hồi xưa nhà đói nhăn răng, biển động mỗi năm mấy tháng trời mà tao với ổng còn nuôi chị em bây khôn lớn. Giờ đỡ hơn rồi. Con của bây thì bây có quyền quyết định. Nhưng nó còn nhỏ, đang tuổi ăn tuổi lớn, tâm tính bất thường mà bắt phải xa mẹ sao đành? Thẳng cũng chẳng tốt lành gì cho cam. Có vợ mà không đẻ cái sanh con được nên mới quay về đây tìm lại hòn máu rơi. Rồi giao con nhỏ cho người ta nuôi, ruột thịt gì đâu để họ thương? Sao mà tìm được xương trong bánh đúc.

Má nói đúng. Những gì má nói đều đúng hết. Làm sao người ta có thể thương con mình khi không chính do họ đẻ ra và một tay nuôi nấng. Làm sao có thể tin Sinh khi mười mấy năm nay anh ghẻ lạnh mẹ con mình. Mình nuôi con từ khi đỏ hỏn tới khi nên vóc nên hình như giờ còn được, mắc gì phải sợ? Cá đã ươn một lần vì không ăn muối. Mình không muốn làm đứa con hư mãi trăm đường.

- Miếng đất bữa nay người ta trả cũng gần hai tỉ rồi. Tao để hết cho bây. Nhà có hai chị em thương nhau không hết, chắc thằng Mốt cũng không nói ra nói vô gì. Đừng có nghĩ quẩn nghe chưa?

Dì Sáu đứng dậy, phủi quần, quay bước trở vô. Xa xa, tiếng sóng biển chầm chậm vỗ vào bờ, Mai nghe như tiếng hát ngàn đời của đại dương thẳm sâu, ấm áp như lời ru vỗ về cô sau những ngày căng thẳng, lo toan về tương lai của mình và con gái nhỏ.

“Tui đổi ý rồi. Tâm sẽ không đi đâu hết. Khi nào nó đủ 18 tuổi sẽ tự quyết định đời mình. Mong anh tự trọng, đừng làm phiền mẹ con tui nữa”.

Cô tắt máy. Tháo sim. Quăng xuống biển.

Có con sóng nhỏ chồm tới, cuốn lấy sim điện thoại ra xa, đưa lại vào bờ, rồi lại đẩy ra khơi, mất dạng.

(*) đặt cọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.