Lỗi tại dịch Covid-19?

Lê Lâm
Lê Lâm
20/01/2022 06:22 GMT+7

Do chậm giải phóng mặt bằng và thiếu vốn, dự án cầu vượt Dầu Giây đã phải lùi lại rất nhiều lần, khiến nơi đây trở thành “điểm đen” giao thông, ám ảnh người dân mỗi khi lưu thông qua đây.

Khi bài viết Bao giờ thôi ám ảnh 'điểm đen' cầu vượt Dầu Giây? được đăng tải trên Thanh Niên, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến email của tác giả rằng, để thôi ám ảnh, phải truy trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến công trình này; làm rõ do đâu để công trình chậm tiến độ thời gian dài...

Cầu vượt Dầu Giây nằm trên QL1, đoạn giao với QL20 tại nút giao ngã tư Dầu Giây. Cầu được khởi công tháng 2.2017, do Bộ GTVT quản lý. Theo kế hoạch, công trình hoàn thành vào tháng 3.2018 nhưng do chậm giải phóng mặt bằng và thiếu vốn nên đã phải lùi lại rất nhiều lần, khiến nơi đây trở thành “điểm đen” giao thông, ám ảnh người dân mỗi khi lưu thông qua đây.

Các phương tiện chen chúc lưu thông qua dự án cầu vượt Dầu Giây

LÊ LÂM

Nóng lòng trước dự án “rùa bò” này, năm 2020, UBND Đồng Nai đề xuất sẵn sàng tạm ứng vốn nếu Bộ GTVT có văn bản đề nghị. Và mới đây, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 15 (tháng 10.2021), đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT khi nào thì cấp đủ vốn để sớm hoàn thành dự án, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại khu vực này. Đáp lại, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận dự án đã bị chậm tiến độ và phải gia hạn nhiều lần. Nhưng Bộ GTVT cho rằng chậm do địa phương chậm giải phóng mặt bằng và do… ảnh hưởng dịch Covid-19 (?). Câu trả lời này của đại diện lãnh đạo Bộ GTVT khiến nhiều cử tri, người dân chưa hài lòng vì dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng mạnh trong năm 2021, trong khi đó cầu vượt Dầu Giây đã khởi công từ năm 2017, và thời gian thi công dự kiến chỉ 13 tháng.

Những ngày qua, tại công trường cầu vượt Dầu Giây, các công nhân, kỹ sư đang khẩn trương làm việc ngày đêm để hy vọng có thể hoàn thành phần cầu chính và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nếu thành hiện thực thì đây là niềm vui lớn không chỉ đối với người tham gia giao thông, mà còn của hàng trăm hộ dân sinh sống hai bên cầu. Bởi nhiều năm qua, những hộ dân này đã khốn khổ vì cây cầu chậm tiến độ này. Còn về lâu dài, để ngăn ngừa tình trạng chậm tiến độ như trên, thì ý kiến của bạn đọc gửi cho tác giả là rất đáng suy ngẫm, đó là phải truy vấn trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.