Tôi cho rằng việc đình chỉ học đối với học sinh đã chỉ trích cô giáo của mình là thể hiện sự thất bại, sự bất lực trong phương pháp giáo dục của nhà trường và đó là một trong những cách tồi tệ nhất mà một trường học có thể dùng để kỉ luật học sinh.
Thầy cô luôn phải là tấm gương mẫu mực về cách sống cho học trò của mình - Ảnh: Diệu Hiền |
Hằng ngày trên các báo chí, các trang mạng xã hội có biết bao thông tin không hay khiến chúng ta có cảm giác xã hội dường như càng ngày càng trở nên hỗn loạn.
Những hình ảnh không đẹp mắt của học trò với nhau, học trò với thầy cô hay thầy cô với học trò cũng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Trên mạng đầy rẫy clip học trò đánh nhau, thầy cô giáo đánh chửi học sinh, học sinh hỗn láo với thầy cô… Những hình ảnh này làm đau lòng tất cả những ai có lương tri và một câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao trong môi trường giáo dục những mầm non của đất nước lại có những chuyện phản giáo dục như vậy?
Mới đây, một học sinh đã bị đình chỉ học vì nói xấu cô giáo trên Facebook. Tất nhiên không ai có quyền xúc phạm người khác, đặc biệt học sinh với thầy cô giáo lại càng không thể chấp nhận được. Học sinh này đã hành xử không đúng và đáng bị lên án nhưng liệu có ai đặt câu hỏi ngược lại, giáo viên này đã làm gì để học sinh không tôn trọng mình như vậy?
Khi còn học ở Việt Nam, tôi từng chứng kiến giáo viên thậm chí cả thầy cô ở trong Ban giám hiệu nhiều lần xúc phạm, sỉ nhục học sinh, nêu tên công khai học sinh mắc lỗi trước toàn trường. Nhiều khi giáo viên nhục mạ, thậm chí đánh đập học sinh trong lớp nhưng tôi chưa bao giờ thấy nhà trường nhúng tay can thiệp để chấm dứt những việc này.
|
Có lẽ vì thế giáo viên ở Việt Nam có thể chối tất cả những gì mình làm trong lớp đối với học sinh và họ dường như không bao giờ phải đối mặt với sự kỉ luật của nhà trường. Vậy công bằng ở đâu?
Tôi cho rằng việc đình chỉ học đối với học sinh đã chỉ trích cô giáo của mình là thể hiện sự thất bại, sự bất lực trong phương pháp giáo dục của nhà trường và đó là một trong những cách tồi tệ nhất mà một trường học có thể dùng để kỉ luật học sinh.
Ở New Zealand, học sinh chỉ bị đình chỉ hay bị đuổi học khi họ đã làm trọng thương hoặc giết một ai đó trong hay ngoài trường học, hoặc họ làm những thứ điên khùng như hút thuốc phiện. Trong trường hợp một học sinh chỉ trích ai đó trong trường bằng những lời lẽ thiếu tôn trọng học sinh đó sẽ bị gọi lên nói chuyện với hiệu trưởng. Cha mẹ của học sinh đó sẽ nhận được một lá thư của hiệu trưởng nói rằng con của họ đã làm điều sai trái. Cha mẹ và nhà trường sẽ thảo luận với nhau về cách thức dạy dỗ uốn nắn học sinh đó. Những việc này chỉ gia đình, thầy cô liên quan và hiệu trưởng biết với nhau, học sinh trong trường tuyệt đối không biết nhà trường đã xử lý những việc đó như thế nào. Học sinh không bao giờ bị nêu tên hay bị nhục mạ trước mặt học sinh khác, điều này khiến học sinh cảm thấy họ được tôn trọng và vì thế họ cần phải tự điều chỉnh hành vi của mình.
Mạng xã hội như Facebook là một nơi riêng tư nhưng cũng là nơi công cộng. Nó riêng tư vì đó là của riêng bạn, bạn có thể tùy ý đưa thông tin gì lên và để chế độ ai có thể xem, bình luận được… Tuy nhiên, Facebook cũng là chốn công cộng, ai cũng có thể nhìn thấy những gì bạn viết trên trang của bạn nếu bạn để ở chế độ công khai. Thế nên, bất kỳ ai cũng nên cân nhắc thật kỹ tất cả những gì bạn đưa lên trang của mình.
Trong trường hợp của học sinh trên, gia đình và nhà trường nên có biện pháp giáo dục khác để học sinh đó tự nhận thức và chấm dứt việc làm sai trái của mình thay vì dùng biện pháp kỷ luật cứng nhắc như đình chỉ học.
Nhưng sâu xa hơn, nhà trường nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc vì sao trò không tôn trọng thầy cô. Có phải thầy cô đã không phải là tấm gương tốt? Hay tại phương pháp giáo dục của nhà trường, của gia đình không đúng?
Những câu hỏi nhức nhối này cần được trả lời, đó mới là gốc của vấn đề. Xin đừng đổ oan cho Facebook!
Bình luận (0)