Tiềm năng 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 866 phê duyệt "Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, riêng mảng khoáng sản đất hiếm, quy hoạch đưa dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm.
Theo quy hoạch này, từ nay đến năm 2030, sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Song song đó, đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái).
Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái). Sang giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.
Trước đó, theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm 2022 công bố, trữ lượng đất hiếm của VN chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn; đứng thứ 3 là Brazil với 21 triệu tấn; Nga, Mông Cổ, Ấn Độ… cũng có trữ lượng đất hiếm vào hàng top đầu của thế giới. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn, pin xe điện, tuabin điện gió, điện thoại, máy bay...
Vì thế thời gian gần đây, các kênh truyền thông nước ngoài liên tục đưa vấn đề VN đang "trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài", là thị trường có thể cung ứng đất hiếm top đầu thế giới. Năm 2020, Nhật Bản đã tìm đến VN nhằm mở rộng nguồn cung đất hiếm. Cuối năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã ký thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Hàn Quốc về việc hợp tác thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại VN, để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.
Mới đây, cuối tháng 6, Hàn Quốc và VN đã ký một bản ghi nhớ thiết lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc và khuyến khích họ đầu tư vào VN. Nguồn vốn viện trợ hoàn lại lên quy mô 4 tỉ USD vào năm 2030 như một phần trong trợ giúp phát triển chính thức.
TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (Bộ TN-MT), nhận xét: "Đã gọi là hiếm thì khó, từ nghiên cứu đến quyết định thăm dò là cả một quá trình. Khi thăm dò xác định có giá trị kinh tế thì cần có nguồn lực để khai thác… Quy trình thường nghiên cứu, điều tra, phát hiện, khoanh vùng triển vọng, đánh giá rồi chuyển sang thăm dò. Tìm được mỏ đất hiếm là câu chuyện dài, nhất là tìm được mỏ đất hiếm xác định nó có giá trị rất lớn. Khó khăn rất nhiều, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của VN trong nhiều năm qua vẫn chưa xứng với tiềm năng".
Đầu tư cho công nghệ khai thác, chế biến
Với lợi thế đất hiếm, VN đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước khi tính đến việc này, trước mắt phải tập trung đầu tư cho công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm.
GS-TS Hà Tôn Vinh, chuyên gia kinh tế, nhận xét đất hiếm rất cần để làm công nghệ bán dẫn, một ngành "hot" nhất hiện nay. Nhờ công nghệ bán dẫn mà thông tin thế giới có thể thu gọn vào trong 1 con chip. Bán dẫn quan trọng nhất là tốc độ, đi rất nhanh, ngày càng nhỏ và độ nhạy càng cao. Trên thế giới, chỉ có 4 quốc gia đang sở hữu công nghệ bán dẫn hàng đầu là Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc tuy đã và đang có thế mạnh về trữ lượng, khai thác đất hiếm, nhưng quốc gia này đang mất dần lợi thế do các nước "anh cả" trong ngành bán dẫn không đưa hoặc thu hẹp những chia sẻ công nghệ khai thác, tinh chế bán dẫn về cho quốc gia này.
"Động thái hạn chế xuất khẩu 2 kim loại có trong đất hiếm của Trung Quốc đến các nước này cũng nhằm "trả đũa" là vậy. Khi không được chia sẻ công nghệ, công nghệ khai thác đất hiếm của Trung Quốc cũng sẽ cũ đi. Trong lúc này đây, rõ ràng VN đang có lợi thế. Nhật Bản, Hàn Quốc đang muốn bắt tay thăm dò để khai thác đất hiếm với VN", ông Vinh nói.
Muốn thu hút nhà đầu tư ngoại cùng thăm dò, khai thác nguồn đất hiếm, phải có cơ chế không cản trở môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng hơn. Chẳng hạn, vì khai thác tài nguyên nên có cơ chế đặc thù, đặc thù đến đâu cũng phải rõ ràng, bình đẳng và cắt những chồng chéo. Đừng để doanh nghiệp rơi vào "mê hồn trận" các điều kiện, quy chuẩn, cấp phép, thanh tra, phí các loại, phạt các loại. Thứ hai là độ mở của thị trường, vì đây là lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, nên độ mở đến đâu là vừa. Cam kết và thực thi cũng cần rõ ràng và công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách
Theo GS Hà Tôn Vinh, VN có trữ lượng đất hiếm dồi dào. Chúng ta cũng đặt tham vọng trở thành bến đỗ cho bán dẫn, đây là những yếu tố cần để VN đưa ra tạo sức hấp lực các nhà đầu tư nước ngoài trong chiến lược thu hút vốn ngoại vào công nghệ bán dẫn. Nhưng nếu thiếu công nghệ cao trong thăm dò mỏ, đất hiếm cũng chỉ nằm yên dưới lòng đất mà thôi. Vì vậy, mục tiêu quy hoạch đặt ra đối với đất hiếm là phải phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững là đúng đắn và phù hợp. Có như vậy, VN mới có thể đi vào chuỗi giá trị của bán dẫn một cách đĩnh đạc được.
TS Khương Quang Đồng, chuyên gia công nghiệp ô tô (Pháp), cũng khẳng định: "VN phải tăng đầu tư vào mảng chế biến đất hiếm thành các nguyên liệu chiến lược để cung cấp cho các ngành công nghiệp cao trong nước như ngành điện tử, công nghiệp hóa dầu và đặc biệt là công nghiệp bán dẫn. Chúng ta đã trải qua giai đoạn xuất khẩu nguyên liệu thô quá lâu, nay quy hoạch đặt ra nhiệm vụ cho chế biến khoáng sản rất rõ ràng. Phải xác định mục tiêu và làm đúng quy hoạch đề ra, thậm chí phải nhanh hơn bởi lúc này là thời điểm bán nguyên liệu chế biến. Vấn đề là phải đạt tới giai đoạn có công nghiệp cao trong nước để sử dụng trước, như vậy giá trị thặng dư mới cao".
Bình luận (0)