Ngày 9.8, tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo để phân tích những lợi ích và tác hại của nhà kính sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt, đồng thời tìm giải pháp quản lý nhà kính sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có hơn 5.688 ha diện tích nhà kính, tăng 271,57 ha so với năm 2022. Riêng TP.Đà Lạt có 2.900 ha nhà kính, giảm 7 ha so với năm 2022. Trong hơn 1 năm qua TP.Đà Lạt giải tỏa trên đất lâm nghiệp và các khu vực không được phép gần 72 ha nhà kính. Với H.Lạc Dương cận kề Đà Lạt có 1.648 ha nhà kính, tăng 182 ha so với năm 2022 và chỉ mới giải tỏa được 4,6 ha/24,4 ha nhà kính trên đất lâm nghiệp và các khu vực không được phép…
Như Thanh Niên đã thông tin, tháng 1.2023, tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 178/QĐ-UBND phê duyệt đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (QĐ178). Theo đó, đến năm 2025, diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt và các huyện lân cận giảm tỷ lệ 20%. Riêng khu vực nội đô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt đến năm 2030 giảm dần và tiến tới không còn nhà kính sản xuất nông nghiệp so với hiện trạng năm 2022.
Theo Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hầu hết các loài hoa đang trồng ở Đà Lạt là hoa cắt cành, hoa chậu (chiếm 90% diện tích) được trồng trong nhà kính ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), chưa có giống thích nghi và mô hình canh tác ngoài trời. Năm 2023, sản xuất hơn 4 tỉ cành hoa. Nếu đến năm 2030 phải tháo gỡ nhà kính ở nội ô, tài sản nhà kính gần như mất trắng nếu không có chính sách hỗ trợ. Nông dân dời nhà kính đi đâu, khi không có đất ở khu vực ngoại ô. Hiệp hội Hoa Đà Lạt kiến nghị đến năm 2025, giảm 10-15% diện tích nhà kính tại nội ô TP bằng cách chỉnh trang, chỉnh sửa nhà kính theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có khoảng lùi khi xây dựng đảm bảo diện tích đất dành cho đường bộ, ao hồ chứa nước, mương máng thoát nước…
PGS-TS Mai Văn Trịnh (Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp), đánh giá Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu cả nước về ứng dụng NNCNC. Nhà kính giúp nông dân Đà Lạt giàu lên. Trong nhà kính gieo trồng được quanh năm, hoa màu được bảo vệ khỏi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, kiểm soát được dịch bệnh, năng suất cây trồng tăng từ 2 đến 10 tùy loại, chất lượng nông sản cao. Chưa kể giảm được lượng phân bón 40%, nước tưới 30%, giảm công lao động… Tuy nhiên, nhà kính làm thay đổi cảnh quan, gây hiệu ứng nhà kính, giảm đa dạng sinh học, làm mất cân bằng sinh thái; gây xói mòn rãnh, khe, suối, có thể tạo lũ quét, sạt trượt đất do dòng chảy phát sinh lớn.
Cũng theo ông Trịnh, Đà Lạt phát triển nhà kính phải nằm trong quy hoạch tổng thể và quy hoạch cảnh quan, cần chọn vùng phát triển nhà kính phù hợp, địa hình bằng phẳng, thoát nước tốt, không bị ngập.
Còn TS-KTS Trương Văn Quảng, Phó tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam hiến kế nên thay đổi chiến lược và cách tiếp cận, cần hạn chế, thoái dần việc phát triển NNCNC trong lòng đô thị, chuyển đổi nhà kính ra các vùng phụ cận.
Đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên cho rằng, nhà kính phát triển ồ ạt ở khắp nơi đã phá vỡ cảnh quan, mỹ quan đô thị Đà Lạt, để lại những hệ lụy không nhỏ về môi trường. Do đó cần định hướng phát triển và thay thế cây trồng trong nhà kính ở Đà Lạt và vùng phụ cận, không chỉ nhằm tăng hiệu quả kinh tế mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, qua đây giúp tỉnh xác định các giải pháp quy hoạch, quản lý, phát triển nhà kính đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường hướng đến nông nghiệp đô thị xanh và bền vững và triển khai hiệu quả QĐ 178.
Bình luận (0)