Người đọc dễ dàng có cảm giác đó dù tựa sách là Những lối về ấu thơ
|
Những ngày cuối năm ai cũng tất bật, có lẽ rất ngại ngần với tựa sách có hơi hướm hoài niệm như vậy. Thế nhưng, tạm thoát khỏi cái mớ bòng bong rối lên với tết, tập sách buộc người đọc phải hút lòng theo màu tết, hương tết, vị tết... cứ ngập lên trong 45 mảnh xưa của hai tác giả - một là dân Sài Gòn cố cựu, một là dân Sài Gòn mới.
Hình ảnh đó bắt đầu “dừng hình” với chiếc đĩa Limores “mua chỗ Hàng Chữ” (đối diện công viên Quách Thị Trang hiện nay) mà người Sài Gòn chỉ để dành xài dịp tết; là ông thợ chụp hình dạo xóm nghèo những ngày cuối năm mà bây giờ cả xóm toàn những hình giống nhau: những em bé ngồi trên chiếc ghế mây “có lưng tựa xòe ra hình nan quạt”... đến “bếp phố thị” chật chội trở thành trung tâm của tết.
Hình ảnh đó có hương tết ngập cả không gian: mùi củ kiệu hăng, mùi khói nấu bánh tét, mùi vécni, vôi vữa... và cả hương trầm, cúc vạn thọ đêm giao thừa... Và không gian, hương sắc ấy thấm đẫm lòng ta cái vị không chỉ của lưỡi, của miệng mà của “cả tâm hồn, cảm xúc” của một thời ấu thơ: từ vị béo của nồi thịt kho hột vịt, vị ngọt gắt đường cát của chảo mứt đang sên... đến ổ bánh mì Sài Gòn có vị “khác lạ so với bất kỳ loại thực phẩm nào tương tự trên thế giới” - dù có thể kẹp thịt, nhồi bì... hay chấm sữa Ông Thọ lừng lẫy một thời.
Quá nhiều những suy cảm Sài Gòn khi xuân về, tết đến trong một tập tản văn hơn 200 trang - dù đến khoảng 1/3 tập sách nói về lối về ấu thơ một vùng đất miền Trung của một trong hai tác giả - vốn là vợ chồng này: Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy. Khi “tác giả vợ”: bảo: “Những giấc mơ của tôi chưa bao giờ xuất hiện những con đường thành phố”, nhưng có thật không khi Sài Gòn cứ ngồn ngộn trong các bài viết của cô, về ngôi “nhà có cửa bên hông”, về “tết bên chồng”...
Ở Sài Gòn, đón tết Sài Gòn bao nhiêu lần mà sao đọc sách cứ nhớ Sài Gòn, nhớ tết Sài Gòn đến nao lòng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)