Lớn lên từ nỗi nhớ miền Trung

29/07/2020 08:00 GMT+7

Sinh ra ở Hà Tĩnh, tôi là cây có gốc “rặt” lâu đời ở miền Trung. Nhưng khi lớn lên, không hiểu sao tôi bắt đầu mặc cảm nơi mình từng phải vươn lên từ bùn đất nghèo khó...

Truyền thống lịch sử được viết bằng máu xương của các anh hùng chí sĩ cũng chỉ nằm trong bài học mà tháng ngày không che lấp hết nỗi cơ cực thiếu thốn trong cuộc đời. Đó là lý do năm tốt nghiệp trường sư phạm tôi chọn cho mình nguyện vọng vào tận miền Tây Nam bộ. Mấy ngày đó nhìn lên bản đồ, lại nhớ bài học năm xưa thầy cô dạy, ví đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ là 2 vựa lúa mà miền Trung nghèo khó như chiếc đòn gánh mang hết vất vả trên đôi vai của mình. Tôi như kẻ chạy trốn quê hương mà không cho ai biết kể cả cha mẹ người thân trong gia đình. Đó cũng là năm miền Nam mới giải phóng, bước chân tôi như muốn đi khai phá thêm vùng đất mới khi tuổi đời còn xanh non.
Thế nhưng cùng bắt đầu từ đó nỗi nhớ quê cứ lớn dần trong lòng kẻ tha hương dù mình vẫn sống trong lòng yêu thương của mảnh đất chữ S. Nỗi nhớ quê bắt đầu nảy mầm từ những kỷ niệm tuổi thơ, những món ăn mà nơi xa không hề có dù đó chỉ là cà nhút, mắm tương. Không còn là những lối đi về, ngôi nhà nhỏ mà hình ảnh người cha, người mẹ sống một mình vò võ ở quê căng mình chịu mưa nắng cứ trằn trọc trong từng giấc ngủ và cơn mơ. Dòng sông La cong mình vì ngọn gió Lào thổi cùng với ngọn núi Hồng quanh năm đội mưa đội nắng bỗng đẹp hơn nhiều trong ký ức. Mỗi khi gần đến tết, nỗi nhớ gia đình bỗng trào nước mắt. Xe tàu khó khăn, tôi không thể mang cả ba lô gạo về cho cha mẹ ở quê ăn tết như trước đây. Mỗi năm cứ đến chiều tất niên, tôi ước mình có đôi cánh bất ngờ bay ra tận “khúc ruột miền Trung” để đến bên cậu - đẻ (tên tôi gọi cha - mẹ mình). Nơi đó tôi nghĩ dù tết không có thịt, bánh chưng vẫn vui, vẫn ấm cúng biết chừng nào.
Nhưng sự trả giá không chỉ dừng lại ở đó. Hai năm sau đứa em trai của tôi mất mà người anh không được nhìn mặt một lần cuối. Có lẽ nó là người tôi nhớ thương nhất sau cha mẹ của mình vì lúc tôi ra đi nó chỉ mới 6, 7 tuổi. Năm nào tôi về thì em có quần áo mới mặc còn không phải chờ đến ba ngày tết. Cũng vì theo những đứa trẻ nhà nghèo trong làng ra bãi xe gỗ kiếm củi về phụ giúp cha mẹ mà em tôi đã ra đi một cách tức tưởi. Vò tờ điện tín trong tay ướt nhòe vì nước mắt, tôi bỗng thấy quê hương sao mà xa ngái...

Thế nhưng cùng bắt đầu từ đó nỗi nhớ quê cứ lớn dần trong lòng kẻ tha hương dù mình vẫn sống trong lòng yêu thương của mảnh đất chữ S

Ảnh: Phạm Đức

Nỗi đau rồi cũng theo dòng đời xuôi chảy. Dù ở xa quê tôi vẫn đón những ngày nắng ấm sau mỗi ngày thức dậy. Quê hương miền Trung đã cho tôi bao niềm tự hào. Nghe giọng nói, người dân bản xứ đều phát hiện tôi là người xứ khác. Dù sống ở quê chỉ 17 năm nhưng tinh khí hương hoa vùng gió Lào cát trắng đã hòa vào máu thịt con người mình từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Niềm tự hào đó nở hoa từ những vùng đất địa linh nhân kiệt có phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh rực lửa đấu tranh, từ những con người tiết tháo một lòng chống giặc để dựng cờ khởi nghĩa Cần Vương như vua Hàm Nghi, Phan Đình Phùng đến những người cộng sản trung kiên như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Lê Hồng Phong... một thế hệ học trò yêu nước của vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Từ trên mảnh đất nhọc nhằn chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, truyền thống hiếu học được tiếp nối từ đời này qua đời khác như một dòng chảy không có gì ngăn cản được. Miền Trung quê tôi nay đã thay da đổi thịt nhưng vẫn giữ được hồn cốt của tinh thần văn hóa với những di tích lịch sử mang đậm phong cách Việt tiêu biểu Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, chùa Hương Tích, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc... Dù xa miền Trung nhưng nay chúng tôi đã có thêm những mái nhà chung đó là Câu lạc bộ nhà báo Xứ Nghệ, Hội doanh nhân xứ Nghệ, Câu lạc bộ ví giặm Nghệ Tĩnh đậm tình quê hương. Mạng xã hội còn kết nối mọi người thông qua nhóm Nghệ ngữ, Nghệ nhân, Con người xứ Nghệ... để sẻ chia ngọt bùi như một cách được ôm trọn quê hương vào lòng.
Như con phượng hoàng sống lại từ đống lửa tàn, miền Trung quê tôi đang làm nên vóc dáng đẹp bởi những câu thơ, điệu hát đi vào lòng người: “Đi xa cũng muốn về, khổ đau cũng muốn về” (An Thuyên). Đó cũng là mạch nguồn cảm xúc cho nhiều cây bút có thêm chỗ đứng trong lòng độc giả. Nhìn một sợi nắng, một giọt mưa cũng thương nhớ tấm thân gầy gò ốm yếu nhưng đầy sức mạnh của miền Trung.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.