Việc Công an Thanh Hóa dùng lưới đánh cá để dừng xe đối tượng đua xe đang thu hút sự chú ý của dư luận. Người phản đối, người đồng tình, nhưng nhìn từ sâu xa cho thấy đây cũng chỉ là biện pháp chẳng đặng đừng của một địa phương nhằm trấn áp những kẻ đua xe.
Nạn đua xe không phải bây giờ mới bùng phát, mà đã có từ nhiều năm qua và ngày càng lộng hành, dù quy định xử lý đều đã có.
Có hai nguyên do chính khiến những kẻ đua xe ngày càng “lờn luật”: quy định chưa chặt chẽ; việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng chưa nghiêm.
Bộ luật Hình sự quy định đua xe trái phép là tội phạm, nhưng chỉ trong trường hợp “gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Quy định này thiếu tính thực tiễn và răn đe. Bởi thường khi thấy bọn côn đồ dàn hàng ngang trên mặt đường để so kè tốc độ thì hầu như mọi người đi đường đều phải né tránh. Vì vậy, việc “gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác” là không nhiều, nhưng hệ quả xã hội thì rất lớn: lòng dân bất an, người đi đường đúng luật luôn nơm nớp… Tương tự, với việc quản lý hồ sơ hành chính kiểu “cát cứ” từng địa phương như hiện nay, khó đảm bảo trích xuất đủ hồ sơ vi phạm hành chính của từng cá nhân để có căn cứ “tái phạm” mà xử lý hình sự. Có lẽ nắm được điểm yếu này, gần đây xuất hiện tình trạng bọn đua xe sau khi quậy ở TP.HCM đã di chuyển đến địa phương khác như Vũng Tàu, Bình Dương… để quậy tiếp.
Trong khi đó, Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lại nêu: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép, tịch thu phương tiện. Cùng hành vi, nhưng có thể vừa xử lý hành chính, vừa xử lý hình sự, dẫn đến việc thiếu thống nhất trong việc xử lý. Thực tế, tình trạng côn đồ đua xe, quậy phá ở nhiều địa phương nhưng có rất ít vụ việc bị xử lý hình sự.
Việc ít vụ đua xe bị xử lý hình sự, còn có nguyên nhân cơ quan chức năng địa phương “ngại”. Trong khi cơ quan chức năng kêu khó xác định hành vi đua xe trái phép, thì dư luận cho rằng “ngại” còn có phần do bệnh thành tích: nếu để xảy ra đua xe trên địa bàn thì cơ quan chức năng bị cắt thi đua… Tại TP.HCM, khi Thanh Niên cùng nhiều báo đài phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng bọn côn đồ đua xe, quậy phá, đe dọa tính mạng người đi đường, thì đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt lại cho rằng đó chỉ là tụ tập đông người, phóng nhanh, lạng lách gây mất trật tự công cộng; còn đua xe trái phép phải có điểm xuất phát, đích đến, có tổ chức… Hình ảnh cả chục xe gắn máy dàn hàng ngang trên đường, cùng xuất phát so kè tốc độ rất cao đến một điểm cuối phải chăng là chưa có điểm xuất phát và đích đến? Còn có tổ chức hay không, đó là trách nhiệm điều tra của ngành công an, với cả hệ thống nghiệp vụ, chứ không thể chờ bọn tội phạm tự thú.
Để xử lý triệt để tình trạng trái phép, cần quy định đua xe trái phép là tội phạm, phải xử lý hình sự, bất kể là lần đầu hay tái phạm, có gây hậu quả hay chưa. Song song đó, cơ quan chức năng phải quyết liệt vào cuộc, có biện pháp hữu hiệu điều tra, truy bắt, kể cả việc sử dụng biện pháp mạnh. Có như vậy mới mong tránh được những cái chết oan do côn đồ đường phố gây ra.
Minh Đức
Bình luận (0)