Long An: Môi trường làm việc an toàn và bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ

08/09/2022 10:23 GMT+7

Từ trong và sau đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB-XH Long An đã triển khai có hiệu quả nhiều kế hoạch chăm lo cho người cho người lao động, trong đó đặc biệt là vấn đề tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN).

“Cứu cánh” cho người bị TNLĐ và BNN

Theo quy định tại Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25.6.2015 thì TNLĐ, BNN được định nghĩa như sau: TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động. Do đó, chế độ TNLĐ, BNN là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. TNLĐ, BNN là một trong những chế độ của Bảo hiểm xã hội bắt buộc do Nhà nước tổ chức cho người lao động, người sử dụng lao động phải tham gia nhằm bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động.

Long An: Môi trường làm việc an toàn và bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ - Ảnh 1.

Tỉnh Long An làm việc với đoàn khảo sát Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

B.B

Những năm qua, tỉnh Long An đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nói chung và bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng, giúp người sử dụng lao động, người lao động nâng cao nhận thức và ngày càng thực hiện tốt hơn công tác an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm TNLĐ, BNN. Nhận thức, ý thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động từng bước chuyển biến tích cực; điều kiện, môi trường làm việc ngày càng được quan tâm, cải thiện; công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, huấn luyện vệ sinh, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm, triển khai chủ động hơn.

Ông Nguyễn Đại Tánh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, cho biết từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp còn chuẩn bị nhiều khâu quan trọng khác để phục hồi sản xuất nên Sở chưa nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

Long An: Môi trường làm việc an toàn và bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ - Ảnh 2.

Tập huấn về chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại H.Cần Giuộc, Long An (Ảnh: Sở LĐ-TB-XH Long An)

Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH Long An đã xây dựng Kế hoạch tổ chức 16 lớp tập huấn chính sách, pháp luật về An toàn lao động, bảo hiểm TNLĐ, BNN cho cán bộ quản lý, người lao động của doanh nghiệp từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và An toàn lao động - Dự án tăng cường an toàn lao động, vệ sinh lao động cho 800 người. Trong đó, 200 người sử dụng lao động, 160 người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; 260 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 100 người là an toàn, vệ sinh viên trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; 80 người là cán bộ xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Long An: Môi trường làm việc an toàn và bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Hồng Mai (bên trái), Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An, trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại H.Cần Giuộc

B.B

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí huấn luyện về ATVSLĐ

Theo ông Tánh, trong thời gian tới, Sở Đ-TB-XH Long AN tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ, cán bộ công đoàn và toàn thể người lao động và người sử dụng lao động trong các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho các Nhóm 1, 2, 3 theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ.

Sau các nỗ lực của Sở LĐ-TB-XH Long An, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ vai trò của công tác ATVSLĐ và việc ứng dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ, TNLĐ, BNN trong sản xuất. Qua đó, năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm “make in Long An” đã được củng cố.

Theo các khảo sát của Sở LĐ-TB-XH Long An thực hiện trong năm 2022, đa số người lao động đã có nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đến sức khỏe và tính mạng của bản thân nên tự giác chấp hành nội quy, quy trình, quy phạm an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Long An: Môi trường làm việc an toàn và bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ - Ảnh 4.

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, làm việc với Ban giám đốc Sở LĐ-TB-XH Long An

B.B

Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số đơn vị sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, chỉ chú trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật trong công tác ATVSLĐ, TNLĐ, BNN tại cơ sở. Một số lao động nhất là lao động làm việc trong khu vực phi công nghiệp, người lao động làm việc không có hợp đồng lao động chưa nắm được các quy định ATVSLĐ để thực hiện.

Tỉnh Long An đã triển khai hỗ trợ cho 700.425 người thuộc 13/13 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ do dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí gần 1.175 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 330.348 người với số tiền 903 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.