Long An phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19

09/09/2023 09:00 GMT+7

Sau 2,5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và nhiều trở ngại khách quan khác, Long An có 16/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả khá tốt.

Chỉ số PCI năm 2022 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành

Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Long An (nhiệm kỳ 2020 - 2025), trong các năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh có 16/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả khá tốt. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả cao là sản lượng lương thực, tỷ trọng lúa chất lượng cao; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo…

Long An phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An năm 2023 trao giấy chứng nhận cho 13 dự án với tổng vốn hơn 40.000 tỉ đồng.

Ảnh: Bắc Bình

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Long An trong các năm 2021, 2022 đạt lần lượt là 0,95%; 8,32% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,43%. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lúa vẫn là cây trồng chủ lực với sản lượng bình quân 2,89 triệu tấn/năm (tỷ trọng lúa chất lượng cao chiếm hơn 60% tổng sản lượng). Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hơn khoảng 4.937 ha đất lúa đã chuyển sang trồng chanh, rau màu các loại, sầu riêng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh hiện có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã trong đó đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Sản xuất công nghiệp phục hồi cơ bản, đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 4%/năm. Công nghiệp chế biến chiếm trên 90% tỷ trọng công nghiệp của tỉnh. Hoạt động thương mại phục hồi mạnh mẽ với giá trị tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm.

Năm 2022, chỉ số PCI của Long An đứng thứ 10/63 tỉnh, thành. Công tác xúc tiến đầu tư ngày càng đổi mới và hiệu quả hơn. Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Long An vào tháng 7.2023 có 13 dự án (DA), với tổng vốn hơn 40.000 tỉ đồng, được trao giấy chứng nhận đầu tư và nhiều bản cam kết ghi nhớ đầu tư vào một số DA mà tỉnh đang kêu gọi với tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng. Hiện, có 16.100 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Long An, tăng 29,3% so với cuối năm 2020; có 1.191 DA FDI được thành lập với số vốn đăng ký 10,4 tỉ USD, tăng 165 DA và 4,1 tỉ USD so với cuối năm 2020. Tốc độ tăng thu ngân sách hằng năm đạt 8,9%/năm. Riêng năm 2022 quy mô thu ngân sách đạt 21.844 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2020.

5 bài học kinh nghiệm được đúc rút

Theo ông Nguyễn Văn Út, sau 2,5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XI, UBND tỉnh Long An luôn bám sát các quy hoạch, kế hoạch phát triển đã ban hành, đạt được một số kết quả khá tốt.

Tuy nhiên, so với Nghị quyết Đại hội XI đề ra là tăng trưởng kinh tế đạt từ 9,2 - 10% trong giai đoạn 2021-2025 thì rõ ràng chưa đạt. Có 3/19 chỉ tiêu đạt thấp là tốc độ tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm hơn dự báo và tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hằng năm thấp.

Long An phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Ảnh: Bắc Bình

Ông Nguyễn Văn Út đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm để khắc phục các tồn tại, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn từ nay đến năm 2025. Thứ nhất, người đứng đầu các tổ chức công các cấp phải thật sự quyết liệt, tiên phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo, từ đó tổ chức quán triệt Nghị quyết sâu rộng hơn nữa để triển khai có hiệu quả tốt hơn; Đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai.

Thứ hai, trong công tác chỉ đạo, điều hành, vừa phải đảm bảo tính bao quát, toàn diện, vừa phải xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề có tính đột phá để tập trung dồn sức thực hiện. Thứ ba, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, huy động được nhiều nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thứ tư, phát triển kinh tế phải đi đôi với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường bền vững, xem bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức quan trọng, không thể đánh đổi trong quá trình phát triển kinh tế. Thứ năm, việc xác định phương thức đầu tư đối với các công trình kết cấu hạ tầng phải phù hợp với khả năng thực hiện từng công trình, đảm bảo tính khả thi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.