Tuy không phải đi đến mỏi chân mới trông thấy một mái nhà, nhưng khoảng cách ấy đủ để tạo ra những khoảng trống mênh mông được lấp đầy bởi màu xanh của lúa. Nó vẽ nên một khung cảnh mà mỗi khi dẫn tôi đi thăm ruộng, cha tôi vẫn thường nói: “nhìn mát con mắt chưa con?”.
Với tôi, khung cảnh đó chính là thứ quà vô giá mà mảnh đất quê tôi dành riêng cho những ai chịu khó dậy sớm để đến trường |
CÔNG HÂN |
Khi tôi tới tuổi đến trường, mỗi ngày cha vẫn hay chở tôi trên chiếc xe đạp tầm vông, mải miết lăn bánh trên con đường đá đỏ uốn lượn làm dáng làm duyên bên những mảnh ruộng xanh rì. Lá lúa đọng sương, rực lên một thứ ánh sáng lạ kỳ dưới những tia nắng non non buổi sáng. Lúc bấy giờ, với tôi, khung cảnh đó chính là thứ quà vô giá mà mảnh đất quê tôi dành riêng cho những ai chịu khó dậy sớm để đến trường. Rất ảo diệu và mê đắm lòng người.
Có những buổi chiều tan học, tôi lại thấy một bức tranh khác được trưng ra từ cánh đồng bát ngát. Không phải là thứ ánh sáng lấp lánh kiêu sa mà lại là tiếng xào xạc nhẹ êm của lá lúa cọ vào nhau khi nó ngã mình theo từng đợt gió. Chúng tạo ra từng gợn sóng nhấp nhô mà người ở đồng bằng như tôi có thể tạm liên tưởng tới những đợt sóng vỗ bờ ở một miền biển xa xôi nào đó mà tôi thường thấy trên màn ảnh nhỏ.
Thi thoảng, trên những mảng xanh triền miên đó, những bác nông dân, những cô công cắt - những người mà số phận định đoạt họ gắn cả đời mình với những điều linh thiêng ấy - hiện ra, tỉ mẩn làm công việc của mình trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Đất mẹ chở che cho họ và nuôi dưỡng cho tuổi thơ tôi những ngọn mầm xanh biếc để chén cơm sau mỗi buổi đến trường luôn đầy ắp những hạt ngọc của quê hương.
Cứ như vậy, tôi lớn dần lên, tất bật với bài vở và thôi không còn sục sạo ở bờ ruộng cùng mấy đứa hàng xóm kiếm tìm mấy con ốc, con cua mỗi khi rảnh rỗi. Tôi đến trường trễ hơn và cũng không còn thấy cảnh tượng lấp lánh đã theo tôi cả tuổi ấu thơ. Cánh đồng mà tôi mỏi cổ ngắm nhìn cũng không còn liền mạch. Nhà cửa, quán xá dần dần hiện ra, thêm thắt cho những mảng xanh kia có thêm hơi thở của con người. Con cái dọn ra riêng, người từ nơi khác tới, ai đó cất cái quán ở "mặt tiền" để kiếm kế sinh nhai. Đủ kiểu lý do khiến ruộng lúa nhường chỗ cho con người. Đất mẹ xếp đặt đâu ra đó, vẹn toàn và bao dung cho tất cả - như cái danh xưng ấm áp mà nó vẫn luôn mang.
Rồi tôi lên đại học, những ngày xa nhà triền miên hơn trước. Giữa bao nhiêu tiếng còi xe và hàng ngàn con chữ, dường như tôi để lạc đâu mất gam màu mà tôi mê đắm cả tuổi thơ. Rồi một ngày nọ, cha tôi gọi lên và báo cho tôi biết, một loài thực vật mới đang chuẩn bị thay thế cho cây lúa quê tôi. Và hơn hết, nó mang lại cho những người dành cả quãng đời khom lưng ngoài đồng ruộng một nguồn thu nhập khá khẩm hơn.
Khác với những anh chủ máy cày, máy phóng, hay mấy cô công cắt bỗng đọng chút gì đó ở khóe mi, đất mẹ vẫn im lìm. Giờ đây, nó không còn phải chịu những đám cháy nóng ran để lấy tro làm tốt tươi cây lúa, không còn phải chịu những lằn cày sâu hoắm dọc ngang để hạt giống dễ gieo trồng, không còn phải chịu cảnh những đám vịt chạy đồng càn qua những vết thương chằng chịt suốt cả vụ mùa để xới tìm mấy con ốc bò đâu đó. Giờ đây, nó chấp nhận những cột trụ bê tông cắm sâu vào lòng nó để những dây thanh long xanh ngắt bò lên. Khác với lá lúa mỏng manh và uyển chuyển, giống cây mới đầy gai nhọn và cứng cáp hơn rất nhiều. Người ta không phải bán mặt cho đất đến khi bạc trắng lưng chiếc áo mặc bên ngoài, nhưng lại phải túc trực ngày đêm để chăm sóc những khi cần thiết. Nhìn chung, giống cây nào cũng lấy đi của họ những giọt mồ hôi rồi thả chúng vào lòng đất mẹ.
Kể từ đó, mỗi lần về lại quê, tôi đã không còn thấy những đợt sóng xanh ngắt của ngày xưa. Một bức tranh mới hiện lên, cũng tươi vui và đẹp theo cách riêng của nó. Những cột trụ tỏa ra từng cành xanh tươi, treo lủng lẳng trên đó là những bông hoa trắng toát hoặc những trái chín đỏ rực cả vùng trời. Với chúng, người dân xứ tôi thay đổi cảm xúc theo từng mùa vụ. Những lúc trúng mùa, làng xóm âm vang tiếng hát bên chiếc loa kéo từ sáng đến khuya. Những lúc bấp bênh giá cả, ai nấy lại lặng lẽ nhìn về phía xa xa. Chỉ duy nhất một người vẫn đứng yên, vẫn trút hết ruột gan để nuôi nấng từng mầm xanh cho tới ngày chúng đơm hoa kết trái.
Sau ngần ấy năm khóc cười cùng giống cây mới, giờ đây, tình hình xuất khẩu bỗng bấp bênh. Khác với những nỗi lo về giá cả, người dân quê tôi đang đối mặt với việc tự tiêu thụ hàng nông sản mà mình vất vả trồng ra. Khác với những hạt lúa ngày xưa có thể chất vào kho và trữ từ năm này sang năm khác. Loại trái này chỉ cho người ta vỏn vẹn khoảng một tuần để nghĩ suy nên làm gì với nó.
Cứ như thế, mảnh đất trồng thưa hẳn dấu chân đi, tiếng người ta í ới hỏi thăm nhau dần lui vào ký ức. Những mảnh ruộng trống trơn dần dần xuất hiện khi từng cột trụ được nhổ lên. Gì cũng được, đất mẹ vẫn đứng yên mặc cho con người quyết định. Nó đã cùng họ trải qua biết bao chặng hành trình. Nó thấy hết nỗi khổ niềm vui mà người ta mang trên gương mặt. Nó vắt kiệt sức mình cho vùng đất mà nó đã nuôi nấng từ thuở mới khai thiên. Dịu dàng. Trầm mặc. Không thốt một lời.
Mai sau, mai sau, và mai sau nữa. Dù cho cuộc sống có đẩy đưa đến cho mảnh đất quê tôi điều gì đi chăng nữa, tôi vẫn luôn tin rằng: bất kỳ đứa con nào cũng có thể úp mặt xuống khóc cười cùng mảnh đất quê hương.
Bình luận (0)