>> Lòng khoan dung và xã hội khoan dung - Kỳ 2 : Một cách hiểu về 'tam giáo đồng nguyên
>> Lòng khoan dung và xã hội khoan dung
Vào năm 1999, là phóng viên theo dõi Quốc hội thảo luận và thông qua Bộ luật Hình sự, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cảm động của ông Nguyễn Đình Lộc, lúc đó là Bộ trưởng Tư pháp, đã thay mặt Ban soạn thảo tha thiết kêu gọi Quốc hội khôi phục lại tinh thần nhân văn của Bộ luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông, bằng cách giảm thiểu các tội có án tử hình, giảm trách nhiệm hình sự đối với trẻ em và đặc biệt là khôi phục lại tinh thần “người thân không tố cáo nhau không có tội”.
Điều bất ngờ thú vị trong các cuộc tranh cãi, là đa số các đại biểu “cầm gươm cầm súng”, tức các đại biểu là các tướng lĩnh, đều ủng hộ giảm nhẹ hình phạt, còn không ít các đại biểu “cầm bút”, tức các đại biểu là văn nhân nghệ sĩ, đều kêu gọi tăng nặng hình phạt. Cuối cùng thì Quốc hội đã thông qua một Bộ luật Hình sự nhân văn nhất mà các đại biểu có thể thông qua vào lúc đó (có hiệu lực từ năm 2000), dù vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục sửa đổi để khắc phục tình trạng hình sự hóa đang diễn ra một cách tùy tiện.
Bộ luật Hình sự năm 2000 là một bước ngoặt trên con đường tiến tới một xã hội khoan dung về mặt luật pháp. Ngoài việc giảm số tội có án tử hình, giảm trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên, khoản 2 điều 12 Bộ luật này còn miễn trách nhiệm hình sự đối với người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội, trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ luật này còn hàm chứa nhiều yếu tố tôn trọng quyền tự do kinh doanh và các quyền tự do khác của công dân tương thích với công cuộc đổi mới.
Hơn 500 năm trước, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) vào thời vua Lê Thánh Tông không chỉ “miễn trách nhiệm hình sự” đối với việc người thân không tố cáo nhau, mà còn cấm con cháu tố cáo ông bà cha mẹ, dẫu là tố cáo việc có thật cũng bị xử tội, trừ trường hợp đại nghịch, mưu phản hay một số trường hợp giết người thân một cách độc ác (như mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con đẻ) mới cho phép tố cáo. Con cháu có nghĩa vụ phải “che giấu tội” cho ông bà cha mẹ là nét độc đáo của hình luật thời Lê.
Cha ông ta rất coi trọng gia đình, sự tồn vong của gia đình gắn với sự tồn vong của đất nước. Bởi vậy, tố cáo ông bà cha mẹ phạm vào tội bất hiếu, bất hiếu được liệt vào “thập ác”.
Không phải đến thời Lê hình luật mới có những điều khoan dung như vậy mà lịch sử còn ghi nhận truyền thống đó có muộn nhất từ thời nhà Trần, vì theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Minh Tông sau khi lên ngôi không lâu, vào năm 1315 đã “xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau”.
Nhìn chung, luật pháp Việt Nam thời “phong kiến” tiến bộ hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ thông qua lăng kính của sách giáo khoa và của các nhà nghiên cứu đương đại. Ngay cả từ “phong kiến” cũng được gán ghép một cách khiên cưỡng, vì nước Việt ta từ thời nhà Đinh cho tới nhà Nguyễn là quốc gia độc lập và thống nhất theo chế độ quân chủ tập quyền, hoàn toàn không có bóng dáng các lãnh chúa cát cứ, ngay cả thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh cũng không thể gọi là “phong kiến”. Luật pháp của các triều đại này đương nhiên không phải là luật pháp của nhà nước dân chủ, nhưng không thể nói là không bảo vệ tự do của người dân. Nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta có thể thấy trong các bộ luật từ Hồng Đức đến Gia Long cũng như trong các chiếu chỉ của triều đình, ngoài sự khoan dung nói trên, còn có nhiều những quy định rõ ràng về quyền tư hữu ruộng đất và tài sản, các khế ước dân sự cùng nhiều quy định khác về quyền tự do của con người. Đúng như Tochqueville, nhà chính trị học vĩ đại người Pháp đã viết trong tác phẩm “Nền dân trị Mỹ”, tự do không phải là sản phẩm riêng của chế độ dân chủ, tự do vẫn tồn tại trong các chế độ khác.
Khoan dung chính là tôn trọng tự do. Một xã hội khoan dung là một xã hội tự do. Chúng ta không cần phải du nhập tự do từ nơi khác đến. Không có một “học thuyết” nào về khoan dung hay tự do cả, đối với dân tộc ta nó là truyền thống tự nhiên lâu đời. Vận mệnh của quốc gia gắn liền với truyền thống đó.
Hơn 1.000 năm qua Việt Nam ta 2 lần mất nước, lần thứ nhất mất vào tay giặc Minh, lần thứ hai mất vào tay giặc Pháp. Lần thứ nhất do xã hội cuối nhà Trần bị câu thúc bởi các tín điều Tống Nho cứng nhắc khiến cho dân tộc mất hết sức đề kháng, cuộc cải cách ngắn ngủi của Hồ Quý Ly không đủ sức khôi phục lại. Lần thứ hai, các vua cuối nhà Nguyễn cũng theo vết xe đổ đó. Trao đổi với chúng tôi về những lời chê mắng hết sức nặng nề đối với các vua đầu nhà Trần trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, giáo sư Lê Mạnh Thát nói: “Nhà Nguyễn viết sử như vậy mà không mất nước mới là chuyện lạ”.
Ngày nay, công cuộc đổi mới bắt đầu từ việc công nhận quyền sở hữu tài sản và tạo điều kiện tự do cho người dân làm ăn, tự do kinh doanh tất yếu kéo theo tự do chính trị và các quyền tự do khác với khuôn khổ luật pháp ngày càng hợp lý, đang đưa đất nước tiến một bước dài tới cường thịnh, đưa xã hội tiến một bước dài tới khoan dung, dù dùng từ ngữ như thế nào thì mục tiêu vẫn như vậy. Tất nhiên chúng ta đang gặp nhiều chông gai thách thức, nhưng con đường đó là không thể đảo ngược …(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Đền Mõ và chuyện tình vị công chúa thời Trần
>> Phát hiện gốm sứ cổ thời Trần, Lê - Mạc
>> Phát hiện bảo vật thời Trần ở chùa Yên Tử
>> Hà Nội: Đào đường phát hiện di tích khảo cổ thời Trần
>> Phát hiện 4 đạo sắc phong cổ quý hiếm thời Nguyễn
>> Bảo tàng tư nhân về đồ sứ thời Nguyễn mở cửa
Bình luận (0)