Nhìn từ trên cao, những tấm lưới màu xanh lá uốn lượn như dải lụa mềm mại trong làn nước trong xanh như ngọc. Dưới bàn tay thoăn thoắt thạo nghề của người ngư dân cả đời gắn bó với biển, dáng lưới biến thiên liên tục, hình thành những hình dạng khác nhau, bắt mắt. Chính điều đặc biệt ấy đã hấp dẫn các nhiếp ảnh gia say mê sáng tác mỗi khi mùa lưới vây về.
Không chỉ ở Hòn Yến mới có loại hình bắt cá bằng lưới vây mà những vùng biển khác như Ninh Thuận, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang… ngư dân cũng đánh bắt tương tự. Tuy nhiên, theo lời chia sẻ từ các nhiếp ảnh gia, đánh lưới vây tại Hòn Yến vẫn cho những thước phim và bức ảnh đẹp nhất. Vẻ đẹp này được cộng hưởng từ nhiều yếu tố như vị trí đánh bắt gần bờ, sức gió, ánh nắng và màu nước trong xanh của vùng biển này.
Đảo Hòn Yến nằm tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sở dĩ có tên Hòn Yến bởi trước kia từng là nơi lưu trú của rất nhiều chim yến. Đến nay, do khí hậu thay đổi, không còn nhiều chim yến nhưng người dân vẫn giữ tên gọi của loài chim này đặt tên cho hòn đảo. Vào mùa đánh bắt, thuyền cá tập trung đông đúc từ sáng sớm cho tới chiều tối.
Mùa lưới vây Hòn Yến bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, đó cũng là lúc mùa cá cơm bắt đầu. Cá cơm có thân nhỏ bằng que tăm, màu trắng trong suốt, chính là đặc sản của vùng biển. Để xác định vị trí đánh bắt, ngư dân trên biển thường có thiết bị chuyên dụng để dò tìm các đàn cá, khi bắt được tín hiệu, họ sẽ dong thuyền ra khơi và vây lưới. Khi một thuyền thả lưới, các thuyền khác sẽ tập trung về và thả xung quanh để vây bắt đàn cá, có thời điểm lên đến hơn 10 thuyền cùng đánh gần một chỗ rất sôi động.
Ngư dân Hòn Yến thường có thói quen đánh bắt đêm, họ tập trung ra khơi vào khoảng 2, 3 giờ chiều và đánh bắt xuyên đêm đến gần sáng thì trở về bến bán cá, nghỉ ngơi. Vì thế, người săn ảnh dễ dàng tìm được các thuyền cá vào khung giờ này để cho ra những thước phim và hình ảnh đầy tính nghệ thuật.
Điểm đặc trưng của nghề đắnh bắt cá ở Hòn Yến chính là người dân thường phải dùng những chiếc lưới có mắt nhỏ mới bắt được cá cơm. Khi phát hiện luồng cá cơm ở độ sâu khoảng 30 - 40m, ngư dân bắt đầu thả lưới, cho thuyền chạy thành vòng tròn để vây cá lại, kỹ thuật này được người dân gọi là đánh lưới vây. Lưới khi được thả hết hết xuống biển sẽ có kích thước khổng lồ, mỗi lúc thuyền kéo lên, những chiếc lưới lại tạo thành những hình dáng khác nhau, lúc hình tròn, khi hình chiếc lá, có lúc lại là hình trái tim…
Khi quan sát từ trên cao, những tấm lưới được làm từ sợi cước trở nên mềm mại trên mặt biển, uốn lượn như những dải lụa. Nhiều nhiếp ảnh gia ví vùng biển ở Hòn Yến như một sân khấu nghệ thuật và ngư dân chính là các vũ công biểu diễn, tạo nên những bông "hoa lưới". Hơn nữa, nước biển tại Hòn Yến quanh năm xanh như ngọc lại càng tạo điểm nhấn rõ nét cho khung cảnh vùng biển mùa lưới vây.
Trên mỗi chuyến tàu đánh cá có khoảng 10 - 13 ngư dân, mỗi người phụ trách một công việc. Việc thả lưới kéo dài trong khoảng 30 đến 45 phút, nhưng thời gian để chụp ảnh đẹp nhất là khi các ngư dân bắt đầu thu lưới nhỏ lại. Lúc này, nhờ vào dòng nước và sức gió, hình dáng lưới sẽ thay đổi liên tục. Tùy trí tưởng tượng của mỗi người sẽ hình dung ra những hình dáng khác nhau, chính điều này tạo nên sự thu hút mãnh liệt cho người chụp ảnh...
Bình luận (0)