Hiện tại, nói đến bảo tồn, nhiều người thon thót giật mình vì không tin vào chuyện trùng tu sẽ tốt đẹp hơn trước. Tuy nhiên, di sản Nhà Lớn và những dãy phố, chợ quán, khu lăng mộ ở xã đảo Long Sơn là ngoại lệ. Tất cả đều được chính cư dân bản địa gìn giữ và phát triển nối tiếp thế hệ, biến Long Sơn thành điểm thưởng ngoạn độc đáo về văn hóa Nam bộ trên cung đường du ngoạn TP.HCM - Vũng Tàu.
Bảo tồn cho mai sau
|
“Ông Trần lao động giỏi lắm, đi khẩn hoang, làm rừng đước, làm nghề biển, ông trúng nhiều đợt tôm xanh và tích lũy tiền xây nên ngôi nhà đồ sộ này”, cô Ba (Lê Thị Kiềm) - cháu cố đời thứ 4 của ông Trần cho biết.
Không chỉ đẹp về kiến trúc, nếp gia phong nơi Nhà Lớn còn thể hiện rõ qua hoạt động công quả của người Long Sơn, góp công trong việc duy tu, bảo tồn. Từ lúc trẻ, cư dân Long Sơn được cắt cử làm công quả cho Nhà Lớn 5 - 10 năm, khi xét đạo đức tốt sẽ được chọn lên đầu phiên trực, tiếp tục 5 - 10 năm nữa sẽ được nâng cấp lên làm phiên hầu (hầu ông), thỉnh ông dùng cơm hằng ngày, hoạt động thêm 5 - 10 năm được xếp vào hàng ngũ kỳ lão, đại diện Nhà Lớn lo quan hôn, tang tế, đình đám của làng. Kỳ lão (Hương Quản) có tám vị sẽ đảm trách cả phần truyền dạy tôn chỉ của ông về lẽ phải, về đạo làm người cho con cháu noi theo.
Các bài học đạo đức của ông Trần không chỉ được truyền miệng, ngay chính chi tiết trang trí kiến trúc trong Nhà Lớn cũng là nơi lưu lại nhiều đạo lý cho con cháu đời sau. Đặc biệt là bộ tranh kính miêu tả tích truyện Lục Vân Tiên, các liễn đối nơi Lầu Dài mang hàm ý tốt lành, hay bức họa vẽ từ năm 1926 với câu đề: “Sao không bắt chước anh họ Lục, để học làm chi thói Trịnh Hâm”.
Từng chi tiết trang trí kiến trúc, thờ tự nơi Nhà Lớn đều lưu giữ nét đẹp từ nghệ thuật chạm khắc, đến kỹ thuật sơn son thếp vàng, kỹ thuật vẽ tranh kính của cư dân Nam bộ miệt Lái Thiêu, Gò Công nay gần như đã thất truyền.
“Thịt bỏ ra - da bỏ vào”
Khu Nhà Lớn có năm dãy phố liền kề nhau, phân thành các căn riêng biệt để người tứ phương vô gia cư khi đến vùng Long Sơn có nơi tá túc, được ông Trần hỗ trợ an cư lạc nghiệp. (Theo các cụ cao niên, trước kia Nhà Lớn có sáu dãy phố nhưng bị Pháp đốt mất một). Dù Nhà Lớn nằm trên khu đất rộng hơn 2 ha, nhưng chỉ một phần rất nhỏ phía sau Lầu Cấm (gọi là Nhà Hậu) được dành riêng cho con cháu ông Trần ở. Các công trình khác đều dành phục vụ bá tánh và thờ tự. Cô Ba lý giải: “Ông Trần sống theo quan niệm vì nghĩa, vì người nghèo. Ông thường dạy cuộc sống phải biết thịt bỏ ra - da bỏ vào, luôn dành cái tốt cho mọi người trước rồi mới đến bản thân”.
Đến Long Sơn bất kỳ ngày nào trong năm, khách đều được người Nhà Lớn đón tiếp, dẫn đi tham quan các di tích và mời ở lại dùng món chay do các bà trong phiên trực tự tay làm từ hoa trái Nam bộ, đặc biệt là món bánh hấp nhân đậu ngọt thơm mùi nếp mới. Khách và người Nhà Lớn cùng thưởng thức ẩm thực, vui vẻ hàn huyên như thân nhau từ thuở nào. Tính hào sảng, gần gũi, thân thiện ấy được con cháu Nhà Lớn duy trì, xây dựng thành nét đẹp đúng chất dân Nam bộ xưa mà nay không dễ tìm ở nhịp sống hiện đại.
Inoue, vị khách Nhật đến từ Yokohama, chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ vì không thể hình dung cách TP.HCM mấy chục cây số lại có những nét văn hóa, nếp sinh hoạt đặc sắc đến vậy. Đến Nhà Lớn, gặp gỡ người dân và dùng bữa cơm chay do các chị tự tay thực hiện, tôi cảm giác như đi ngược thời gian để sống cùng phong tục, tập quán theo lối xưa từ cả trăm năm trước”.
Hàng chục ngàn khách thập phương hành hương ngày vía ông
Đức tính sống để chia sẻ của ông Trần được người đời nhớ ơn. Những ngày lễ chính hằng năm của Long Sơn là mùa Trùng Cửu (9.9 âm lịch) và ngày vía ông (20.2 âm lịch), khoảng 20.000 khách thập phương từ Tiền Giang, Mỏ Cày, Bến Tre, Hà Tiên, Hóc Môn (TP.HCM) hành hương về Nhà Lớn (tất cả đều được đãi cơm chay miễn phí).
Đây là những người có ông bà ngày xưa theo ông Trần, con cháu nghe theo lời dạy phải biết nhớ ơn, hằng năm tụ về Nhà Lớn, dâng huê (hoa), kỉnh (cúng) ông Trần bằng những lễ vật quê nhà. Những vựa lúa lớn như Tiền Giang, Bến Tre, vật phẩm dâng cúng hằng năm thường là thóc lúa, với số lượng hàng ngàn giạ, dành cho Nhà Lớn dùng đãi khách cả năm. Quà dâng cúng của từng đoàn khách, từng cá nhân, bất kể lớn nhỏ đều được ghi nhận sổ sách, tổng kết rõ ràng, và được Nhà Lớn đem phục vụ cộng đồng
|
Bình luận (0)