Lòng tốt ở quanh ta

14/12/2015 17:27 GMT+7

Qua Cội nguồn (NXB Hội Nhà văn, tháng 9.2015), dường như tác giả muốn nói rằng dẫu cuộc sống bây giờ quá chơi vơi nhưng lòng tốt thì vẫn không hề thiếu vắng...

Qua Cội nguồn (NXB Hội Nhà văn, tháng 9.2015), dường như tác giả muốn nói rằng dẫu cuộc sống bây giờ quá chơi vơi nhưng lòng tốt thì vẫn không hề thiếu vắng...

cội nguồn
Cội nguồn chỉ dày 120 trang, gồm 21 câu chuyện được kể lại theo thể truyện ký với văn phong hồn hậu, chất phác. Đa phần các nhân vật là những phận người nghèo khó, kiếp sống mong manh, cô thế trong cuộc sống này, nhưng họ đều sống có nghĩa có nhân.
Tỷ như lão Từ tứ cố vô thân ở đâu bỗng trôi dạt tới xóm nghèo Rạch Chại sống bằng đủ thứ nghề như “bốc mộ hốt xác, vét đường mương, sục hầm, đào hố xí, chôn thú vật chết”. Không có việc làm là lão nhậu. Có ai hỏi có chán nghề không, lão trả lời đượm mùi triết lý: “Không lội bùn làm sao thích nước trong, không nhậu ba sần làm sao sảng khoái tinh thần”. Có lần lão gặp một bà già bị xe tông giữa phố mà lái xe bỏ chạy, lão ẵm bà già kêu xe chở đi cấp cứu lại bị nhân viên bệnh viện nghi oan lão gây ra tai nạn. Hôm sau gặp lão kể lại, tác giả hỏi lão còn muốn giúp người bị nạn nữa không, lão trả lời tỉnh queo: “Giúp chớ, có duyên mới được làm chuyện phước đức”.
Cho tới một bữa xóm Rạch Chại bị hỏa hoạn. Lão Từ là người đầu tiên phát hiện ra đám cháy và lăn xả vào cứu người nhưng không may bị nhà sập đè chết trong ngọn lửa. Câu chuyện Lão Từ có đoạn kết như vầy: “Đám tang tiễn đưa linh cửu ông Từ về nơi an nghỉ cuối cùng thật rầm rộ. Đây là một đám tang rất đông người đi chia buồn từ trước đến nay, ai ai cũng đều thương tiếc. Có người bảo, ngày ông đến ở đây lạnh lẽo bao nhiêu thì ngày ông đi thật ấm cúng. Riêng tôi, mong sao hương hồn lão Từ được trở về thăm lại quê nhà”.
Hay như trong Chuyện tình trên sông nước, mở đầu là chuyện người thanh niên lặn xuống dòng sông Ngã Bảy cứu hai vợ chồng anh thương binh bán muối bị chìm ghe “làm xôn xao dư luận sáng nay ở chợ nổi”. Kẻ hiếu kỳ đi tìm hiểu xem anh là người thế nào. Thì ra anh là người khuyết tật tên “Diện què rái cá” có tài bơi giỏi, lặn sâu. “Diện thường chứng kiến khúc sông chia ngã ba, ngã tư đổ ra ngã bảy, nước đạp mạnh chảy xiết tạo dòng xoáy, ghe xuồng thường va đập vào nhau, người mất của, kẻ mất con. Trước nỗi đau đó, ý nghĩ lóe lên trong đầu Diện, mình nên làm thêm nghề lặn vớt ghe chìm, cứu người, giúp bà con buôn bán trên sông”.
Chuyện này có hậu. Trong số những nạn nhân sông nước đó thì cô gái bị lật xuồng trái cây được Diện “lặn hụp, mò vớt gần đầy xuồng trái cây thì trời cũng vừa sáng”, đã đến với anh. Và rồi: “Từ ngày mẹ con Phụng đến sống chung, chiếc ghe nhỏ ấm áp hẳn lên, Diện thấy mình trẻ ra, tràn trề nhựa sống, mất luôn ý định từ giã kiếp thương hồ”.
Bàng bạc trong Cội nguồn là những con người đầy lòng nhân ái như vậy.
Tác giả, nhà văn Tôn Thất Lang, hội viên Hội Nhà văn TP.Cần Thơ, tết này lên tuổi bảy mươi. Sống ở Cần Thơ, cho tới giờ, ông vẫn thích lặng lẽ đi tìm gặp những phận người như lão Từ, anh Diện… để chia sẻ với họ bao đắng cay, khổ cực trong đời. Có lần Cần Thơ vào mùa tết lạnh lẽo, bạn bè gặp ông đi gom từng chiếc áo, cái mền cũ rồi chất lên xe gắn máy chạy ra ngoại ô để tặng cho một người già không nơi nương tựa. Ông cũng thường một mình chạy chiếc honda cà tàng đi khắp đồng bằng này để tiếp xúc với những phận người bất hạnh viết bài gởi đăng báo. Sau những bài báo đó, có lần ông đã chuyển tặng cả trăm triệu đồng quyên góp được từ bạn đọc để kịp cứu được một bệnh nhân nghèo. Năm 2007, ông đã gom những câu chuyện ấy in thành tập sách Những cảnh đời - những tấm lòng.
Bây giờ thì ông kể tiếp những câu chuyện khác về lòng nhân ái, mà ông coi như là cội nguồn của cuộc sống hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.