Gắn bó với nghề báo, tôi hay có dịp đến miền núi Ấn - sông Trà (Quảng Ngãi). Tôi thường nghĩ rằng, cảm xúc về một vùng đất không chỉ là con người thuần hậu mến khách, cảnh đẹp nên thơ, mà nhiều lúc sự nhung nhớ, luyến lưu mãi khi rời xa lại có “gốc gác” từ những món ăn đậm đà hương vị dân dã mà người bản địa tạo ra với những hồn cốt của riêng mình.
tin liên quan
Ăn nem lụi mệ Thương, thương nhớ đất kinh đô xưa
Thuộc Trung Trung bộ và không phải là vùng đất kinh đô xưa như Huế, nên ẩm thực xứ Quảng đậm chất dân dã, các món ăn chủ yếu đều được tạo ra từ những sản vật tự nhiên sông nước hoặc từ vật nuôi phổ biến nơi miền quê. Cũng chính vì thế mà cách chế biến, bày biện món ăn không quá cầu kỳ, nhưng khi thưởng thức thì luôn lâng lâng cảm xúc hồn quê thương nhớ.
Khi đến xứ Quảng, ít nhất một lần khách phương xa sẽ nghe nhắc đến những đặc sản có một không hai như kẹo gương, don, cá bống sông Trà… Thật ra chất liệu tạo ra những đặc sản này đều là sản vật địa phương thường phổ biến nơi ruộng vườn của người nông dân, sông ngòi, cửa biển tự nhiên. Nhưng nhớ về ẩm thực Quảng Ngãi, tôi khoái nhất là các món chế biến từ vịt. Vịt thì ở vùng miền nào cũng có, thậm chí có thời ở quê nhà nào cũng có chuồng nuôi vịt chủ yếu để làm thực phẩm sống dự trữ cho cả nhà khi có dịp cần đến.
Hễ nhắc đến vịt, nhiều người thường nghĩ ngay đến các món ăn quen thuộc như vịt nướng, luộc, xáo măng, gỏi vịt, nấu riềng sả..... Ít ai biết đến món lòng vịt chưng trở thành đặc sản mà người xứ Quảng biến tấu từ thời bùng phát dịch cúm gia cầm từ 15 năm trước.
|
|
Nếu như chúng ta dễ dàng bắt gặp biển hiệu hàng quán phở ở phố phường Hà Nội, bún bò Huế ở miền núi Ngự - sông Hương, hủ tiếu hay bún cá ở các thành phố miền Tây chẳng hạn, thì ở Quảng Ngãi hầu như phố phường nào cũng có hàng quán cháo vịt, thịt vịt, lòng chưng. Nó nhiều đến mức dường như khi bất chợt muốn ăn, chỉ cần rảo bộ vài bước chân là gặp quán.
Thậm chí trên phố Phan Bội Châu đoạn nối phố Hùng Vương - Trần Hưng Đạo cạnh hồ bơi Diên Hồng và khu tập thể ủy ban có cả một dãy hàng quán bán các món ăn chế biến từ vịt, nào là vịt luộc, vịt nướng, gỏi vịt, lòng chưng…
Tôi ăn các món chế biến từ vịt ở rất nhiều nơi, từ vùng quê cho đến nhiều thành phố nhưng không nơi nào thấy có món lòng chưng như ở Quảng Ngãi. Có lẽ nghe đến món lòng chưng, nhiều người cũng thấy “lạ hoắc lạ huơ” kiểu như phương ngữ của người xứ Quảng vậy.
Người Quảng Ngãi chế biến lòng chưng khá đơn giản nhưng rất ngon. Nguyên liệu chính là lòng vịt, thêm ít "màu mè" như muối, nước mắm, bột ngọt (mì chính), tiêu, hành tím, nghệ… Khi pha trộn nhuyễn các nguyên liệu đó, có người sẽ bọc trong lá chuối, có người cho thẳng vào xoong, có người bọc trong túi nilon cho vào nồi cháo nấu sẵn (cũng chính từ vịt) hoặc cho vào nồi nước sôi chưng để giữ độ nóng.
Tùy theo độ cháy của bếp mà thời gian chưng khoảng từ 1 giờ đến 2 giờ là có thể mang ra dùng. Mỗi cách chưng tạo ra một hương vị khác nhau nhưng cơ bản đều rất ngon. Ăn là nhớ ngay với cảm giác mới lạ. Khi được ăn lần đầu tiên, tôi ước chi tuần nào nơi mình ở cũng có bán để thưởng thức cho đã thèm!
|
|
Nhiều hàng quán vịt ở Quảng Ngãi có bán món lòng chưng. Tôi thử ăn nhiều quán nhưng cảm giác đã nhất khi ăn ở quán Bưởi số 163 Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi. Cảm giác “đã nhất” có được, đơn giản chỉ vì lòng chưng quá ngon. Ngon từ cung cách phục vụ niềm nở của gia chủ. Ngon do không gian quán sạch từ nhà bếp đến tận bàn ăn, đĩa rau, quả ớt... Đặc biệt, ngon từ vị ngọt thơm rất lạ của lòng chưng kèm với thịt vịt được róc xương. Những miếng lòng miếng thịt khi đưa vào miệng, vị đậm đà thấm tháp đều khắp nhưng cảm giác ngọt thơm rất lạ là bởi không hề xuất phát từ gia vị nấu nướng. Tôi nghĩ đây thật sự mới là bí quyết của việc chế biến món ăn.
tin liên quan
Những quán vịt, ngan nức tiếng Hà Nội giúp 'hạ hỏa” nắng nóngLúc mới mở bán, vị trí quán ông Bưởi nằm trong xóm nhỏ, lối đi theo đường mòn vậy mà ai cũng biết. Mãi sau này đường phố quy hoạch và được mở ra, quán ông Bưởi mới có địa chỉ mặt phố như bây giờ, mọi người càng dễ dàng tìm đến.
Từ khi mở cửa bán, quán vịt ông Bưởi đã nức tiếng với món vịt luộc, đặc biệt là món tiết canh vịt. Khoảng 15 năm trước, khi còn sống, ông Bưởi đã biến tấu món tiết canh thành món lòng chưng để “đối phó” với dịch cúm gia cầm bùng phát vào thời điểm đó. Với lại, ông cũng không muốn quán mình mất đi món ăn sở trường vốn đã đi vào lòng thực khách bấy lâu. Độ ngon đặc biệt khác lạ có từ món tiết canh vịt tiếp chuyển qua món lòng chưng với bí quyết chế biến gia truyền vẫn luôn làm thực khách mê mẩn đến tận ngày nay. Quán nhờ thế luôn đông khách bản địa, thậm chí nhiều khách thập phương cũng trở thành “mối ruột” khi có dịp được thưởng thức.
Cũng nhờ sáng kiến của ông Bưởi, món lòng chưng trở thành đặc sản của xứ Quảng bắt đầu từ dạo ấy. Tôi nghĩ thành công của quán ăn nhiều lúc lại nằm ở chỗ chủ quán biết cách bảo vệ sức khỏe cho khách hàng.
|
|
|
|
35 năm chuyên bán các món độc đáo từ vịt, vị ngon mà nhà ông Bưởi tạo ra và giữ cho đến ngày nay vẫn rất đặc biệt, có lẽ cũng không có gì là lạ. Tết Mậu Tuất vừa qua, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Quảng Ngãi, tôi cũng tìm lại quán Bưởi ăn lòng chưng, cảm giác “đã nhất” vẫn như lần đầu được ăn cách đây ngót nghét 14 năm. Tô lòng chưng thoảng làn khói nóng hổi, thơm phức khi đặt lên bàn làm ai cũng ngất ngây. Ngày tết thức ăn thịt thà nhiều mà ăn món lòng chưng vẫn không hề thấy ngán, chừng ấy cũng đủ biết độ tinh tế và hấp lực của món ăn đỉnh đến mức nào.
Có dịp đến Quảng Ngãi, tôi nghĩ nhiều người sẽ khoái khẩu khi đến quán Bưởi 163 Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi. Muốn có cơ hội thưởng thức, thực khách phải nhanh chân bởi quán dù chuẩn bị sẵn cả trăm con vịt với hàng trăm phần lòng chưng nhưng đều bán vèo một lúc từ 6 giờ sáng đến tầm 9 giờ là hết trơn!
Điều đặt biệt là quán Bưởi nhận đặt và giao hàng tận nơi đến cả 3 miền khi thực khách gọi đến số điện thoại 0905245745. Dĩ nhiên, người đặt phải trả thêm phí vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường hàng không..
Bình luận (0)