Khi báo chí thông tin Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 phía nam bãi cạn Tri Tôn - cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, ngay lập tức, trên các blog, mạng xã hội, diễn đàn… làn sóng phẫn nộ lan tỏa.
|
Chưa lúc nào tôi lên mạng lại thấy màu cờ đỏ của quê hương mình tràn ngập như thế, thông tin về sự ngang ngược của Trung Quốc, sự phản ứng của Việt Nam, bình luận quốc tế và tất cả những gì liên quan lại đầy đủ như thế - đầy đủ hơn bất kỳ một tờ báo riêng lẻ nào!
Điều đó có được là do lòng người đã quy về một mối, mà trước tiên là lòng căm giận trước hành động của Trung Quốc. Tôi thấy trong những câu chuyện thường nhật, người ta nói đến “giàn khoan” nhiều hơn, bớt đi những lời than trách cuộc sống đến nhàm chán mà có dạo báo chí đã nói như những “thói xấu của người Việt”, “Người Việt xấu xí”. Không, tôi chẳng thấy người xung quanh tôi xấu xí chừng nào tôi còn cảm nhận được lòng yêu nước của họ.
Bởi, tôi tin giống như tôi, khi đất nước có biến cố, tất cả những nhỏ nhặt hằng ngày, hạnh phúc cá nhân, lo toan riêng lẻ đã vơi cạn đi, thậm chí tiêu biến. Thay vào đó là niềm đau chung về một Việt Nam bị xâm phạm từ Trung Quốc. Nếu ai đã từng ngồi suốt đêm trước màn hình máy tính mà “ngóng” những thông tin mới về vụ này, xem từng new feed, từng comment, từng cái avatar facebook được thay mang dánh hình Tổ quốc, gật gù trước một quan điểm đúng đắn, nghe tiếng lao xao của những cư dân mạng đang trở lòng trên thế giới ảo… thì chắc sẽ hiểu một phần của lòng yêu nước chính là ở đây. Bước ra đời thực, có ai thấy vui trọn vẹn với chuyện của mình khi ngoài biển xa, cũng là đồng bào mình, đang gồng mình chống đỡ?
Rồi đến thông tin tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm vào tàu Việt Nam, sau đó đòi quay ra đàm phán, chối bỏ trắng trợn những gì vừa gây ra… thì phản ứng yêu nước của người Việt lại bùng lên dữ dội. Nhiều bạn trẻ cố gắng dịch những thông tin trung thực về những hành động ngang ngược của Trung Quốc ra nhiều thứ tiếng để bạn bè quốc tế hiểu hơn về tình hình Việt - Trung, có những người thẳng thừng lên tiếng căm phẫn, những blogger phân tích thấu đáo, những nhà báo đăng tải thông tin chuẩn xác, cho đến cái tặc lưỡi của người lao động nghèo nơi xóm trọ về tình hình đất nước, của em nhỏ khi hỏi cha mẹ mình “chuyện gì đang xảy ra thế ạ”… đều là lòng yêu nước cả.
Tôi nghĩ đến những chiến sĩ đảo xa, những người dân ở Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn… cũng đang vừa căng thẳng lo toan, vừa nhận những cuộc gọi từ đất liền sẻ chia, (có nơi) lên mạng để xem người dân hướng về mình như thế nào. Ấm áp lắm chứ, vững tin hơn chứ! Đó là lòng yêu nước đấy thôi! Và tôi trộm nghĩ, nếu internet có từ lâu, thì các bậc tiền nhân của chúng ta cũng sẽ sử dụng nó như chúng ta đang sử dụng, vào mục đích kêu gọi sự đồng lòng.
Chúng tôi - thế hệ trẻ - chưa từng bắn một phát súng, cũng không thể quay ngược thời gian để hòa vào những cuộc tranh đấu trước đây cho hòa bình, hạnh phúc của cha ông mình. Nhưng khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng ngàn lần cống hiến. Đó là trách nhiệm lớn nhất của một công dân. Chúng tôi sẽ xứng đáng với những gì đất nước đã đem lại cho mình, và đi trước chúng tôi, chính ông bà cha mẹ cũng từng một thời yêu nước như thế.
An Gieo (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả, một nhà báo đang công tác tại TP.HCM.
>> Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
>> Tuần hành tại TP.HCM phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Trung Quốc ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan
>> Chùm ảnh mới nhất về hành động hung hăng của tàu Trung Quốc quanh giàn khoan HD-981
Bình luận (0)