Trao quyền chủ động cho người trẻ
Dự án Look Again - Hãy nhìn lại được Life Art Việt Nam và Pan Intercultural Arts phối hợp thực hiện nhằm trao quyền cho những người trẻ tuổi thông qua sức mạnh của nghệ thuật và sân khấu. Dự án thuộc khuôn khổ chương trình UK/Viet Nam Season do Hội đồng Anh thực hiện nhằm tôn vinh nền văn hóa của Vương quốc Anh và Việt Nam trong năm 2023 thông qua lĩnh vực ngôn ngữ Anh, giáo dục, văn hóa và nghệ thuật.
Theo chia sẻ của ban tổ chức, Look Again mời các giáo viên, chuyên gia điều phối và lãnh đạo các nhóm cộng đồng đến từ cả 3 miền Bắc, Trung, Nam tại Việt Nam tham gia hội thảo tập huấn sáng tạo tại Hà Nội, khóa đào tạo giảng viên nguồn về sân khấu diễn đàn. Đây là một trong những cách tiếp cận mới mẻ, tái hiện những vấn đề đang được quan tâm và cho phép khán giả tham gia thay đổi diễn biến của vở kịch, biến nghịch cảnh thành cơ hội.
Ngày 25, 26.11, tại Nhà hát kịch Việt Nam, một hội diễn nhỏ về sân khấu diễn đàn đã được diễn ra. Đây được coi là điểm dừng để tổng kết và chia sẻ những bài học kinh nghiệm của chương trình. Hội diễn đã thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia, đây là một tín hiệu đáng mừng. Ban tổ chức kỳ vọng sân khấu diễn đàn sẽ tiếp tục mang đến những giá trị lớn hơn trong thời gian tới.
Ông John Martin, Giám đốc nghệ thuật Pan Intercultural Arts, chia sẻ với Thanh Niên: "Life Art có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng sân khấu diễn đàn tương tác tại Việt Nam, trong khi đó chúng tôi lại có kinh nghiệm triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới và khởi xướng các dự án mới. Điều này giúp chúng tôi hỗ trợ nhau để tạo nên một dự án thành công. Ở dự án này, chúng tôi không chỉ tập trung vào việc chỉ đạo mọi người trong một vở kịch, mà còn là đào tạo và khuyến khích họ chia sẻ kiến thức ra bên ngoài. Hơn nữa, chúng tôi khuyến khích thanh thiếu niên tạo ra các tác phẩm phản ánh mục tiêu cá nhân của họ".
Ông John Martin cũng chia sẻ thêm: "Trong 2 ngày diễn ra tại Nhà hát kịch Việt Nam, chương trình đã thu hút khoảng 720 người xem, đa phần là thanh niên. Họ theo dõi các vở kịch về những vấn đề xã hội quan trọng như trầm cảm, bắt nạt, lạm dụng tình dục và các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới. Từ đây, chúng tôi tạo cơ hội để họ đưa ra gợi ý về cách câu chuyện được xây dựng cũng như những hành động nên tránh để giải quyết vấn đề. Tôi đã chứng kiến các bạn trẻ Việt Nam xếp hàng tại Nhà hát kịch để được lên sân khấu chia sẻ ý kiến của mình. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích thanh niên tham gia vào cuộc tranh luận, một cuộc thảo luận không chỉ là học thuật mà còn là cuộc thảo luận có chiều sâu. Họ có thể thực sự đóng vai và trình diễn ý tưởng, góc nhìn của mình về xoay chuyển diễn biến vở kịch. Các vở kịch được thiết kế có cấu trúc chặt chẽ. Sân khấu diễn đàn sẽ cho phép mọi người lên sân khấu, đảm nhận vai diễn của nhân vật và thể hiện góc nhìn cá nhân, đưa ra hướng giải quyết cho từng tình huống. Mục tiêu của chúng tôi là khuyến khích thanh niên vận dụng tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng để cùng nhau phân tích, tìm ra cách tiếp cận cho nhiều vấn đề".
Mong các vấn đề nêu ra trên sân khấu sẽ đi vào đời sống
Theo bà Đặng Minh Thư, Giám đốc Life Art Vietnam, cộng đồng giáo viên mà Life Art sáng lập hiện có gần 27.000 thành viên trên cả nước, do đó không khó để dự án Look Again có thể được giáo viên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam biết tới. Bà bày tỏ hy vọng sân khấu diễn đàn sẽ mang một làn gió mới vào chương trình hoạt động trải nghiệm và sinh hoạt giá trị của những ngôi trường, từ đó khuyến khích học sinh tham gia giải quyết các vấn đề xã hội trong cộng đồng của mình một cách chủ động và xây dựng.
"Tôi cũng muốn thấy những can thiệp và giải pháp thay thế mà các em học sinh, các thầy cô giáo và cha mẹ nêu ra trên sân khấu sẽ đi vào đời sống thật, góp phần hình thành hiện thực mới tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta. Điều này có thể hơi mơ mộng, nhưng tôi nghĩ nó đáng để hy vọng", bà chia sẻ thêm.
Chia sẻ về dự án Look Again, bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho biết: "Cả Life Art Việt Nam và Pan Intercultural Arts đều là những tổ chức có uy tín cao với nhiều thành tựu trong việc ứng dụng nghệ thuật và sân khấu để trao quyền cho tất cả mọi người, bất kể họ là ai. Cả Thư và John đều đã làm việc với chúng tôi trong các dự án sân khấu diễn đàn mang tính cộng đồng trước đây với nhiều dấu ấn thành công. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng khi Look Again trở thành một dự án mới thuộc chương trình UK/Viet Nam Season. Dự án là sự kết hợp giữa kỹ năng và chuyên môn của hai tổ chức để mang đến những giá trị rõ nét của sân khấu diễn đàn đối với giáo dục. Nó giống như công cụ trao quyền cho giới trẻ, từ đó họ có thể đối diện với những bất công và cải thiện phúc lợi cá nhân".
"Dự án đã nhận được sự tham gia tích cực từ trường học, giáo viên, lãnh đạo thanh niên cũng như từ chính những người trẻ. Bản thân tôi đã chứng kiến những tác động tích cực đối với giới trẻ trong hội diễn nhỏ vừa qua. Sân khấu thực sự làm thay đổi cuộc sống theo những chiều hướng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, với sự quan tâm lớn từ rất nhiều nhà giáo dục, chúng tôi rất mong điều này sẽ được đưa vào trường học để mang đến nhiều lợi ích cho người trẻ, các nhà giáo dục và cộng đồng rộng lớn hơn", bà Donna McGowan nói thêm.
Được sáng lập bởi đạo diễn sân khấu, nhà hoạt động xã hội Augusto Boal từ những năm 1960, cho đến nay, sân khấu diễn đàn vẫn được xem là cách tiếp cận mới mẻ trong việc trao quyền và thay đổi nhận thức, hành vi. Không giống như các vở kịch thông thường, nơi khán giả đến xem rồi ra về, sân khấu diễn đàn tạo nên sự khác biệt khi khán giả không những được phép yêu cầu diễn viên dừng lại mà còn có thể đưa ra những lựa chọn thay thế mới để dẫn đến thay đổi kết thúc của vở kịch. Hay nói cách khác, nó mở ra một không gian an toàn để người tham gia có thể "diễn tập cho đời sống thực" (rehearsal for real life).
Bình luận (0)